Quảng cáo
Biti's: Cách

Kiến thức Logistics căn bản

Kinh Tế Học Cập nhật 08 tháng 07

Với sự phát triển của ngành xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế, ngành Logistics tại Việt Nam đang trở thành một lĩnh vực được xem trọng và đặc biệt thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Vậy Logistics là gì? Logistics có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế? Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những kiến thức căn bản về Logistics.

Logistics là gì?

Theo  Điều 233 Luật thương mại 2005 định nghĩa:

“Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Logistics là dịch vụ vận chuyển, hải quan, kho bãi

Logistics là dịch vụ vận chuyển, hải quan, kho bãi

Có thể hiểu, Logistics là tập hợp các hoạt động nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các yếu tố cần thiết cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trước đây, Logistics chỉ liên quan đến việc vận chuyển và quản lý hàng hóa vật chất. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm Logistics đã mở rộng để áp dụng cho cả dịch vụ, thông tin và năng lượng.

Trong quá trình quản lý, Logistics luôn liên quan đến việc tìm kiếm phương án tối ưu nhằm kiểm soát thời gian và chi phí một cách hiệu quả trong toàn bộ quá trình hàng hóa lưu thông.

Phân loại các dịch vụ Logistics

Theo Nghị định Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP Logistics được phân loại như sau:

  • Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
  • Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
  • Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
  • Dịch vụ chuyển phát.
  • Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
  • Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
  • Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
  • Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
  • Dịch vụ vận tải hàng không.
  • Dịch vụ vận tải đa phương thức.
  • Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
  • Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Dịch vụ bốc xếp container

 Dịch vụ bốc xếp container

>>> Xem thêm: Kiến thức dễ hiểu về marketing dành cho người mới 

Các hình thức Logistics

Trong quá trình tìm hiểu về Logistics, bạn sẽ thường gặp các thuật ngữ như 1P, 2P, 3P,... trong đó "P" là viết tắt của "Party", tức là những bên liên quan và hình thức Logistics cũng được phân loại theo số lượng liên quan trong quy trình.

Hình thức Logistics được phân loại theo số lượng liên quan trong quy trình

Hình thức Logistics được phân loại theo số lượng liên quan trong quy trình

  • 1PL – First Party Logistics:

Doanh nghiệp sản xuất tự chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động lưu trữ và vận chuyển từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng đến người tiêu dùng.

  • 2PL – Second Party Logistics:

Doanh nghiệp có thể đồng thời tự quản lý một phần hoạt động Logistics và thuê dịch vụ Logistics từ bên thứ ba cho một phần khác trong chuỗi hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc có sự liên quan từ hai bên trong quá trình Logistics.

  • 3PL – Third Party Logistics:

Doanh nghiệp tự quyết định thuê dịch vụ Logistics chuyên nghiệp để quản lý và thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động trong lĩnh vực Logistics.

  • 4PL – Fourth Party Logistics:

Doanh nghiệp lựa chọn thuê dịch vụ Logistics để đảm nhiệm toàn bộ quá trình từ sản xuất đến phân phối, quản lý và điều hành các bên liên quan, nhằm xây dựng một chuỗi Logistics hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, xuất hiện dịch vụ 5PL (Fifth Party Logistics) giúp các doanh nghiệp E-Commerce quản lý hàng hóa và thực hiện Logistics một cách dễ dàng và thông minh hơn.

Vai trò của Logistics

Vai trò của Logistics với nền kinh tế

Nếu xem nền kinh tế như một bộ máy, thì logistics có thể được xem như dầu bôi trơn giúp máy hoạt động một cách suôn sẻ, đạt được hiệu suất cao nhất với chi phí nhiên liệu thấp nhất và độ bền cao nhất.

Vai trò của logistics là vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh tế. Nếu thiếu sự hỗ trợ của logistics, hoạt động kinh tế sẽ giảm hiệu suất đáng kể, thậm chí có thể dẫn đến rối loạn hoặc ngừng hoạt động trong một số ngành và khu vực.

Trong các nền kinh tế tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, vai trò của logistics không đáng kể. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trở nên công nghiệp hóa và hiện đại hóa, vai trò của logistics ngày càng trở nên quan trọng.

Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hà Lan, Hong Kong, Singapore,... logistics là động lực chính của nền kinh tế và có đóng góp không nhỏ vào GDP.

Vai trò của Logistics với doanh nghiệp

Sức cạnh tranh của một doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố bên ngoài như thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh và vai trò hỗ trợ từ Nhà nước, cũng như yếu tố bên trong, nội tại của doanh nghiệp.

Các yếu tố nội tại thường liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lao động và chất lượng sản phẩm. Trong khi chi phí lao động thường tăng và không giảm, việc nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi đầu tư chi phí cao và cần thời gian để đạt được. Một phương thức khác để nâng cao hiệu suất là tổ chức lại quy trình làm việc, sản xuất và giảm bớt các chi phí không cần thiết, tức là áp dụng logistics vào hoạt động của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và sự cạnh tranh giữa quốc gia và doanh nghiệp, logistics trở thành một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng của mình. Nó giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, giúp vượt qua đối thủ và tạo ra sự thành công.

>>> Xem thêm: Các ngành liên quan đến kinh doanh. Học kinh doanh là học những gì? 

Phương châm của Logistics

Phương châm của logistics hiện đại tập trung vào ba yếu tố: chi phí, tốc độ và tin cậy. Nó đảm bảo rằng hàng hóa được vận chuyển từ doanh nghiệp đến đối tác với chi phí thấp nhất, tốc độ nhanh nhất và đồng thời đảm bảo không có sự thất lạc, mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa.

Logistics đảm bảo vận chuyển hàng hóa đến đối tác nhanh nhất với chi phí thấp

Logistics đảm bảo vận chuyển hàng hóa đến đối tác nhanh nhất với chi phí thấp

Theo John J. Coyle, tác giả nhiều quyển sách về logistics, phương châm của logistics được tóm tắt trong 7 chữ "Đúng" (Right) như sau: Logistics đảm bảo đưa đúng sản phẩm đến đúng khách hàng, với đúng số lượng, đúng địa điểm, đúng trạng thái, đúng thời gian và đúng chi phí.

>>> Xem Video: Kiến thức cơ bản về ngành Logistics:

Hiệu quả hoạt động Logistics được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?

Đối với quốc gia, các tiêu chí đánh giá hiệu quả của hoạt động logistics là:

  • Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP hoặc kim ngạch xuất nhập khẩu (tỷ lệ càng nhỏ càng tốt, cho thấy sự hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên logistics).
  • Doanh thu từ dịch vụ logistics so với GDP (tỷ lệ càng cao, thể hiện vai trò quan trọng của logistics trong nền kinh tế).
  • Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ logistics (tốc độ cao thể hiện sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực logistics).
  • Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài (tỷ lệ càng cao, cho thấy mức độ chuyên nghiệp hóa và tin cậy của dịch vụ logistics).
  • Thời gian trung bình xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa (thời gian càng ngắn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thể hiện hiệu quả của logistics).

Chi phí Logistics trong GDP

Chi phí Logistics trong GDP 

Đối với doanh nghiệp, hiệu quả của hoạt động logistics có thể được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:

  • Thời gian nhận và hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (thời gian càng ngắn, thể hiện hiệu quả cao của quy trình logistics).
  • Chi phí trung bình để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (chi phí càng thấp, thể hiện hiệu quả cao trong việc sử dụng tài nguyên).
  • Số lượng người tham gia để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (số người càng ít, thể hiện hiệu quả và tối ưu hóa công việc).
  • Mức độ hài lòng của khách hàng (thể hiện chất lượng và đáng tin cậy của dịch vụ logistics).

Tối ưu hoá hoạt động Logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giảm thiểu chi phí vận chuyển đồng thời giảm giá thành sản phẩm. Điều này không chỉ tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ mà còn đem lại lợi nhuận cao cho công ty.

>>> Tham gia cộng đồng kinh doanh lớn nhất Việt Nam: Vietnam Business News

>>> Xem nhiều bài học kinh doanh, kinh tế hữu ích: Kênh youtube KIEN THUC KINH TE official