Khi nói về người giàu nhất trong lịch sử nhân loại, chúng ta thường nghĩ đến các nhà tư bản công nghiệp thời hiện đại như gia tộc Rothschild, Rockefeller, Carnegie. Một số người có lẽ sẽ kể tên các tỷ phú hiện nay như Jeff Bezos (CEO Amazon), Bill Gates (đồng sáng lập Microsoft), Carlos Slim hoặc những người Ả Rập giàu có. Tuy nhiên, người giàu nhất trong lịch sử là Musa Keita I, mansa thứ mười của đế quốc Mali [mansa là một danh hiệu tương tự “vua” hoặc “hoàng đế”].
Mansa Musa được sinh ra vào khoảng năm 1280 sau Công nguyên. Ông đã mở rộng đế chế Mali bằng cách chinh phục 24 thành phố và các khu vực xung quanh. Vào thời điểm Mansa Musa qua đời, năm 1337 sau Công nguyên, ông đã tích lũy một khối tài sản nhiều đến mức khó có thể tính chi tiết. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, số của cải của Mansa Musa có giá trị hơn 400 tỷ USD.
Để so sánh, gia tộc Rothschild giàu thứ hai thế giới có tổng tài sản 350 tỷ USD. Tỷ phú J.D. Rockefeller có gia tài 340 tỷ USD, Andrew Carnegie (310 tỷ USD), Muammar Gaddafi (200 tỷ USD); Bill Gates (136 tỷ USD) và Carlos Slim (68 tỷ USD). Nói cách khác, không ai trong số những người đàn ông nêu trên có thể so sánh với mức độ giàu có của vị vua châu Phi này.
“Thực sự không có cách nào để đưa ra một con số chính xác cho sự giàu có của ông ấy”, nhà báo Jacob Davidson của tạp chí Time, cho biết.
Vua của đế quốc Mali
Mansa Musa bắt đầu làm giàu từ các mỏ vàng và mỏ muối ở Tây Phi. Đế quốc Mali được thành lập từ phần còn lại của Đế quốc Ghana. Ở thời đỉnh cao dưới sự cai trị của Mansa Musa, đế quốc Mali trải rộng khắp Tây Phi [hơn 3.200 km] từ Đại Tây Dương đến thành phố Timbuktu, bao gồm các khu vực lãnh thổ ngày nay là Chad, Bờ Biển Ngà, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria và Senegal.
Ngoài việc sáp nhập nhiều thành phố trong thời gian trị vì, đáng chú ý nhất là Timbuktu và Gao, Mansa Musa còn thu đồ cống nạp từ nhiều nơi khác. Vào thế kỷ 14, trong khi châu Âu đang phải chiến đấu để chống lại nạn đói, dịch bệnh, chiến tranh thì nhiều quốc gia châu Phi vẫn phát triển mạnh.
Theo phong tục của người Mali, một vị vua phải bổ nhiệm người nhiếp chính thay mình cai trị đất nước khi hành hương đến thánh địa Mecca hoặc thực hiện một trọng trách nào đó. Nếu nhà vua không trở về, người nhiếp chính sẽ lên ngôi thay thế. Điều này đã thực sự xảy ra khi Abubakari Keita II – vị vua tiền nhiệm của Mansa Musa – khởi hành đi tìm điểm tận cùng của Đại Tây Dương nhưng biệt vô âm tín và không bao giờ quay trở về.
Trước khi lên ngôi năm 1312, Mansa Musa đã cử 2.000 chiếc thuyền truy tìm tung tích của Abubakari Keita II. Do kết quả tìm kiếm thất bại nên mọi người đều công nhận Mansa Musa là hoàng đế hợp pháp của đế quốc Mali.
Sự giàu có của Mansa Musa
Sự giàu có của Mansa Musa chỉ là một phần di sản mà ông để lại. Bằng cách kiểm soát các tuyến giao thương quan trọng giữa Địa Trung Hải và bờ biển Tây Phi, Mansa Musa đã biến thành phố Timbuktu thành trung tâm văn hóa Hồi giáo. Ông trả cho một kiến trúc sư xứ Andalucía 200 kg vàng để xây dựng nhà thờ Hồi giáo Djinguereber, công trình vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Mansa Musa cũng thành lập Đại học Timbuktu để thu hút các học giả và nghệ sĩ ở khắp nơi trong thế giới Hồi giáo. Trong thời gian cai trị đất nước, Mansa Musa khuyến khích đô thị hóa bằng cách tài trợ, xây dựng nhiều trường học và nhà thờ Hồi giáo.
Mansa Musa lần đầu tiên thu hút sự quan tâm của thế giới vào năm 1324 khi ông thực hiện cuộc hành hương tới thánh địa Mecca theo truyền thống của người Hồi giáo. Trong cuốn sách “Chronicle of the Seeker”, học giả Mahmud Kati đã tường thuật lại sự việc này.
Chuyến đi tới Mecca dài hơn 6.400 km đã thể hiện sự giàu có của Mansa Musa. Không phải là người tiết kiệm, ông mang theo một đoàn tùy tùng kéo dài đến tận chân trời. Chi tiết của chuyến hành trình đa phần được truyền miệng và ghi chép không đồng nhất trong các tài liệu, vậy nên rất khó kiểm chứng tính chính xác. Nhưng hầu hết đều đồng ý về sự hoành tráng của chuyến đi. Các sử gia miêu tả đoàn người gồm hàng chục nghìn binh lính, dân thường và nô lệ, 500 người mang đồ đạc bằng vàng, mặc lụa đẹp, cùng vô số lạc đà và ngựa để chở vàng thỏi. Mansa Musa đi cùng vợ Inari Konte và 500 hầu gái. Ông đã xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo trên đường đi ở Dukurey, Gundam, Direy, Wanko, Bako, và một số nhà thờ vẫn tồn tại đến ngày nay.
Người ta kể rằng khi Mansa Musa đến thành phố Alexandria, Ai Cập, ông đã phân phát rất nhiều vàng cho người nghèo, mua thức ăn cho đoàn tùy tùng và mua quà lưu niệm mang về nhà. Điều này nhanh chóng gây ra lạm phát và trải qua nhiều năm sau đó, thành phố Alexandria mới hoàn toàn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tiền tệ. Phải mất hơn một năm để Mansa Musa hoàn thành chuyến đi và trở về quê nhà ở Mali.
Sự giàu có của Mansa Musa đã giúp tên ông được ghi vào tấm bản đồ Catalan Atlas ra đời năm 1375 – một trong những bản đồ thế giới quan trọng nhất ở châu Âu thời Trung Cổ. Trên đó vẽ hình vị vua, một tay cầm cây trượng và một tay cầm thỏi vàng lấp lánh.
Theo nhà sử học Chris Strobel, cuộc hành hương của Mansa Musa đã để lại ấn tượng cho châu Âu thời bấy giờ rằng Mali là một đất nước giàu có. Nhưng điều này cũng có một số mặt trái. Sự giàu có của Mansa Musa đã rơi vào tầm ngắm của nhiều đế quốc, dẫn đến việc Bồ Đào Nha xâm lược Mali vào thế kỷ 15.
Mansa Musa qua đời năm 1337, sau khi cai trị đất nước 25 năm. Người kế vị ông là con trai, vua Maghan I. Nhiều di sản mà Mansa Musa để lại như lăng tẩm, thư viện, nhà thờ Hồi giáo là những bằng chứng cho thời kỳ vàng son của đế chế Mali dưới thời trị vì của vị vua huyền thoại.