Quảng cáo
Biti's: Cách

Kiến thức kinh tế cơ bản nhất mà bạn phải biết

Kinh Tế Học Cập nhật 02 tháng 08

Dù bạn là ai, làm ngành nghề gì thì cũng là một nhân tố trong nền kinh tế. Cuộc sống của bạn - từ bát cơm ăn, cái áo mặc… đều là sản phẩm của nền kinh tế. Bởi vậy, việc hiểu những kiến thức cơ bản về kinh tế là điều cần có đối với mỗi người. Sau đây là những kiến thức kinh tế cơ bản và dễ hiểu nhất mà bất kỳ ai cũng nắm bắt được.

Kiến thức kinh tế cơ bản: Thành phần kinh tế 

Kinh tế có 2 thành phần chính là Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô

Kinh tế vi mô nghiên cứu hành vi, động cơ của người tiêu dùng và doanh nghiệp,  xác định giá và lượng của các yếu tố đầu vào, giá cả, lợi nhuận… 

Kinh tế vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế rộng hơn và những giá trị lớn hơn như sản lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, lạm phát, tổng cung, tổng cầu, các chính sách kinh tế quốc gia, thương mại quốc tế v.v. Nó nghiên cứu nền kinh tế như một tổng thể thống nhất.

Kinh tế vi mô hữu ích hơn cho các nhà quản trị còn kinh tế vĩ mô có lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Mặc dù hai thành phần kinh tế này khác nhau về góc độ, song về mặt kinh tế học thì cả hai đều bổ sung cho nhau, không tách rời nhau. Thực tiễn đã chứng minh kết quả của kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào các hành vi của kinh tế vi mô. Nền kinh tế muốn phát triển phải phụ thuộc vào sự phát triển của các doanh nghiệp, các tế bào kinh tế, ngược lại hành vi của các doanh nghiệp, các tế bào kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của kinh tế vĩ mô.

>>> Có thể bạn quan tâm: Tất tần tật kiến thức bất động sản cho người mới vào ngành

Kiến thức kinh tế cơ bản: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Đây là công cụ cơ bản nhất để đo kích thước của một nền kinh tế. Theo khái niệm, GDP  là tổng giá trị tiền tệ hoặc giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ đã hoàn thành được sản xuất trong biên giới của một quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể. 

GDP chính là một thước đo tổng thể về sản xuất trong nước. Ví dụ, hiện nay, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo GDP (khoảng 20 ngàn tỷ USD). Điều đó có nghĩa rằng, mỗi năm có 20 ngàn tỷ USD giá trị hàng hoá và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ.

GDP bình quân đầu người: GDP bình quân đầu người là phép đo GDP trên một người trong dân số của một quốc gia. Nó chỉ ra rằng số lượng sản lượng hoặc thu nhập của mỗi người trong một nền kinh tế có thể cho biết năng suất trung bình hoặc mức sống trung bình.

 

 

kiến thức kinh tế cơ bản  GDP Việt Nam

GDP Việt Nam qua từng năm (ảnh: TTXVN)

Kiến thức kinh tế cơ bản: Tốc độ tăng trưởng

Sự phát triển của 1 nền kinh tế được đo bằng tốc độ tăng trưởng GDP. Vì GDP là thước đo thu nhập của 1 quốc gia, nên tốc độ tăng trưởng GDP sẽ so sánh sự thay đổi hàng năm (hoặc hàng quý) trong sản lượng kinh tế của một quốc gia, đồng thời cho thấy thu nhập trung bình một người dân tăng lên bao nhiêu.

GDP thường được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm. Tăng trưởng GDP có mối liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu chính sách như lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp.

Nếu tốc độ tăng trưởng GDP tăng nhanh, đó có thể là tín hiệu nền kinh tế đang “quá nóng”, từ đó ngân hàng nhà nước có thể điều chỉnh tăng lãi suất. Ngược lại, nếu tốc độ tăng trưởng GDP đang thu hẹp (tức là suy thoái) thì lãi suất nên được hạ xuống để kích thích thị trường.

Kiến thức kinh tế cơ bản: Luật cung cầu - nền tảng của kinh tế

Cung (Supply) dùng để chỉ số lượng hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp sẵn sàng bán ra thị trường, với một mức giá riêng trong khoảng thời gian nhất định. 

Cầu (Demand) dùng để chỉ số lượng hàng hóa, dịch vụ bạn sẵn sàng mua với nhiều mức giá khác nhau trong khoảng thời gian nhất định. 

Theo quy luật cung - cầu thì giá cả sẽ biến đổi như sau:

Cung = cầu: Giá ổn định

Cung > cầu: giá cả giảm

Cung < cầu: giá cả tăng 

Ví dụ đơn giản: Khi bạn sản xuất thừa ngũ cốc (gạo, lúa, ngô, khoai,...) thì giá thực phẩm ngũ cốc sẽ giảm và ngược lại. Quy luật này đúng ở mọi nơi trên thế giới.

Kiến thức kinh tế cơ bản: Lạm phát

Bạn đã biết rằng giá của hầu hết các sản phẩm hiện nay đều cao hơn so với thời cha ông chúng ta. Lạm phát (tính theo phần trăm) cho thấy mức độ tăng giá của hàng hoá so với năm trước. Trong nền kinh tế phát triển, lạm phát hàng năm vào khoảng 2% - điều đó có nghĩa rằng giá các món hàng tăng trung bình 2% mỗi năm.

Bên cạnh cách hiểu về lạm phát trong một quốc gia thì theo một nghĩa khác, lạm phát còn có thể hiểu ngoài phạm vi một quốc gia. So với quốc gia khác, lạm phát được coi là sự giảm giá trị tiền tệ của quốc gia này so với loại tiền tệ của quốc gia khác.

Vai trò cơ bản của ngân hàng trung ương là quản lý tỉ lệ này và giữ nó ở 1 con số dương thấp. 

Kiến thức kinh tế cơ bản: Lãi suất

Khi bạn cho ai đó vay tiền, bạn mong đợi sẽ nhận được thêm một khoản tiền đền bù. Phần tiền này gọi là tiền lãi. Lãi suất là 1 số dương phản ánh số tiền bạn sẽ nhận được “thừa ra” so với khoản ban đầu bạn cho vay.

Tình hình diễn biến lãi suất sẽ tác động đến những quyết định của các cá nhân như chi tiêu hay để dành, mua nhà hay gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm. Lãi suất tác động đến những quyết định kinh tế của các doanh nghiệp như: dùng tiền để đầu tư mua thiết bị mới cho các nhà máy hoặc để gửi tiết kiệm trong một ngân hàng. 

Trong ngắn hạn, lãi suất thường được quy định bởi các ngân hàng trung ương. Hiện nay, nó gần tiến về mức 0. Về lâu dài, lãi suất sẽ do thị trường quyết định và phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát và viễn cảnh của nền kinh tế. Những cơ chế ngân hàng trung ương dùng để kiểm soát lãi suất ngắn hạn được gọi là chính sách tiền tệ.

Kiến thức kinh tế cơ bản lãi suất

Lãi suất là một khái niệm phổ biến trong kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng

Kiến thức kinh tế cơ bản: Mối quan hệ Lãi suất - Lạm phát - Tăng trưởng

Khi ngân hàng nhà nước cắt giảm lãi suất cơ bản sẽ khiến lãi suất trên các khoản vay cũng giảm theo. Lúc đó người dân quan tâm hơn đến các khoản vay. Do vậy, mức tiêu dùng cũng như lượng tiền lưu thông sẽ tăng lên. Cung tiền với giá rẻ làm giá trị đồng của quốc gia so với các loại ngoại tệ khác bị thấp đi. Vì thế, lạm phát có thể sẽ tăng lên.

Ngược lại, khi ngân hàng nhà nước tăng lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất cho vay. Lúc này, nhu cầu về tiền và tiêu dùng giảm xuống (thay vì dùng tiền, người dân thích gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng mức lãi suất cao), lượng tiền lưu thông ngoài thị trường giảm. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng tích cực lên đồng tiền của quốc gia đó. Vì vậy lạm phát sẽ thấp, tuy nhiên đi cùng với nó là kinh tế có thể phát triển chậm lại.

Do vậy, không có gì khó hiểu khi việc quy định lãi suất luôn khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chịu trách nhiệm quy định lãi suất ngắn hạn và đó luôn là một trong những thông tin kinh tế được theo dõi nhiều nhất.

Kiến thức kinh tế cơ bản: Chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là một công cụ để chính phủ tác động vào quy mô hoạt động kinh tế thông qua biện pháp thay đổi chi tiêu và (hoặc) thuế .

Chính phủ chi tiêu sẽ bao gồm hai loại là: chi mua sắm hàng hóa dịch vụ (dùng ngân sách để mua vũ khí, khí tài, xây dựng đường xá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước…) và chi chuyển nhượng (là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.)

Khi chính phủ chi tiêu nhiều dẫn đến cầu nhiều hơn và giá tăng nhiều hơn. Điều này có nghĩa rằng nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng đồng thời mang theo lạm phát cao và ngược lại.

Do đó, chính phủ cố gắng chi tiêu nhiều hơn trong giai đoạn tăng trưởng thấp và lạm phát thấp, đồng thời thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ tăng trưởng và lạm phát cao.

Kiến thức kinh tế cơ bản: Chu kỳ kinh tế

Chu kỳ kinh tế Là sự biến động của GDP thực tế tạo nên sự luân phiên của nền kinh tế theo ba giai đoạn lần lượt: suy thoái, phục hồi và hưng thịnh. Một cuộc suy thoái được xem là đã bắt đầu khi một nền kinh tế trải qua hai quý liên tiếp với tình trạng tăng trưởng GDP thực tế có giá trị âm.

Khi nền kinh tế tăng trưởng hưng thịnh, doanh nghiệp phát triển -> mức lương người lao động tăng, họ có nhiều tiền hơn để chi tiêu -> sản lượng hàng hóa tăng lên -> doanh nghiệp lại phát triển và mở rộng quy mô.

Khi đó, các doanh nghiệp gia tăng cạnh tranh bằng cách sản xuất lượng lớn hàng hóa dẫn tới tình trạng dư cung. Họ buộc phải giảm giá để kích cầu -> lợi nhuận doanh nghiệp giảm -> cắt giảm người lao động -> suy thoái kinh tế.

Kiến thức kinh tế cơ bản: Chi phí cơ hội

Chi phí cơ hội là mức phí mà bạn nhất định phải trả dù chọn bất kỳ phương án nào. Khi thực hiện một hành động gì đó, bạn có thường so sánh lợi ích của hành động ấy so với các hành động khác. Ví dụ, vào tối thứ 6 khi phải làm việc cật lực cho 1 dự án, bạn có thể nghĩ rằng “Trời đất, mình đáng lẽ nên làm việc gì đó khác”. “Việc khác” ấy (trong trường hợp này là tiệc tùng cùng bạn bè) có 1 giá trị cao, và nó chứng tỏ dự án hiện tại của bạn tốt hơn, hấp dẫn hơn.

Hoặc là: Bạn có 10 triệu đồng, bạn phân vân không biết nên gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 1 năm hay đầu tư chứng khoán. Chi phí cơ hội sẽ là số tiền lãi ngân hàng nếu bạn chọn đầu tư chứng khoán, ngược lại nó sẽ là lợi nhuận chứng khoán nếu bạn chọn gửi tiết kiệm.

Tựu chung lại, kiến thức kinh tế cơ bản chính là những điều không xa lạ gì với chúng ta. Con người sống trong xã hội luôn gắn chặt với nền kinh tế, là động lực cho sự phát triển kinh tế. Hy vọng với những nội dung trong bài viết, bạn có thêm thông tin để hiểu thêm, biết cách nhìn nhận thực tiễn kinh tế trong cuộc sống. 

>>> Xem thêm: Đọc hiểu báo cáo kết quả kinh doanh