Rất nhiều người trẻ Việt bây giờ có thể không chọn thi đại học, hoặc sau khi ra trường, họ không đầu quân cho một doanh nghiệp cụ thể nữa mà dấn thân vào con đường khởi nghiệp - tự thực hiện một dự án kinh doanh riêng. Có vô vàn cách thức khởi nghiệp, trong đó sản xuất và thương mại là 2 ngành kinh doanh nói chung được đông đảo start-up lựa chọn. Vậy ngành nào sẽ phù hợp với bạn? Ngành nào dễ thực hiện và có khả năng thành công cao hơn?
Trong kinh doanh, có 4 ngành cơ bản đó là: sản xuất, thương mại, dịch vụ và đầu tư. Trong 4 ngành này, sản xuất luôn được xem là ngành có tỉ lệ và khả năng rủi ro cao nhất.
Sản xuất là ngành dễ rủi ro nhất khi khởi nghiệp (minh họa)
Thị trường Việt hiện nay, nhóm ngành sản xuất thường có 3 dạng doanh nghiệp: Từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá; từ cơ sở gia đình có nhiều năm kinh nghiệm đi lên hoặc từ các doanh nghiệp đã làm thương mại có tiền muốn kiểm soát đầu vào bằng các chiến lược hội nhập ngược. Ví dụ:
Hòa Phát khởi đầu là công ty chuyên buôn bán máy xây dựng. Rồi kinh doanh nội thất, tới ống thép rồi sau cùng là sản xuất thép.
Cafe Trung Nguyên cũng là một ví dụ. Ban đầu Trung Nguyên thu mua, bán cafe - mở chuỗi để bán lẻ sau đó là sản xuất cà phê.
Sở dĩ nói sản xuất luôn được xem là ngành có tỉ lệ và khả năng rủi ro cao nhất. Bởi ngành sản xuất cần một nguồn vốn lớn, các phân xưởng để sản xuất, thiết bị máy móc, nguyên liệu thô, nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu của hoạt động sản xuất. Khi lựa chọn ngành này, bạn đầu tư vào một quá trình nhiều khâu, nhiều bước để ra được sản phẩm. Nhưng khi có sản phẩm rồi, nó phải được thị trường chấp nhận, bạn phải có đơn hàng thì mới kết thúc một quá trình từ sản xuất cho đến tới tay người tiêu dùng. Nếu không bán được, kết quả sản xuất của bạn chỉ là con số không.
Ngành kinh doanh thương mại, hiểu nôm na là hoạt động mua đi bán lại để tạo ra lợi nhuận, rất nhiều người thành công đã chọn loại hình này để bắt đầu khởi nghiệp, bởi chúng có những đặc điểm thuận lợi sau:
Thứ nhất chi phí vốn thấp: Việc hoạt động thương mại (mua đi bán lại) sẽ cần lượng vốn ban đầu ít hơn nhiều so với hoạt động sản xuất vì đầu tư tài sản lớn. Điều này sẽ làm giảm rủi ro vay nợ và thất bại do hoạt động quản lý thời gian đầu chưa hiệu quả.
Các doanh nghiệp sản xuất thường bỏ vốn ban đầu khá lớn và để có vốn họ thường sử dụng đòn bẩy tài chính (vay nợ) nếu không hiệu quả thì có thể dẫn tới một số rủi ro: Bị siết nợ, mất vốn, mất luôn cơ sở kinh doanh...
Thứ hai: chi phí cố định doanh nghiệp thương mại thấp
Do tài sản ít nên chi phí khấu hao cũng thấp, chi phí chủ yếu trong hoạt động thương mại là giá vốn, mà giá vốn nếu xét ở góc độ mua theo khách hàng và loại bỏ khấu hao có thể coi như biến phí.
Với tất cả doanh nghiệp thì chi phí cố định là kẻ thù của lợi nhuận. Giảm chi phí cố định luôn là một ưu tiên trong chiến lược năng suất của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thương mại chi phí cố định chủ yếu nằm ở chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Các chính sách trả lương tốt sẽ giúp quản lý tốt chi phí. Từ đó mà tính hiệu quả sẽ cao hơn.
Nhiều doanh nhân chọn ngành thương mại để khởi nghiệp sau đó tạo tiền đề cho sản xuất
Thứ ba: Quay vòng vốn lưu động doanh nghiệp thương mại nhanh
Bản chất hoạt động kinh doanh là công thức: Tiền - Hàng - Tiền. Tốc độ luân chuyển này càng nhanh, doanh nghiệp càng có cơ hội phát triển.
Thông thường vòng quay vốn của các Công ty sản xuất rất nhiều thời gian có Công ty cả năm trời như Đạm Cà Mau, Bút bi Thiên Long mất gần 200 ngày, nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai mất 800 ngày ... Vốn sẽ bị đọng từ: thời gian giao nhận nguyên vật liệu, tồn kho, hàng hoá đi trên đường, kỳ sản xuất và một khoản lớn nằm ở phần phải thu (công nợ từ khách hàng)
Trong khi đó một doanh nghiệp thương mại phần tài sản chủ yếu nằm ở phần vốn lưu động là: tồn kho và phải thu, nếu doanh nghiệp bán hàng tốt thì số này sẽ thấp dẫn tới xoay vòng nhanh.
Kế đến là vòng quay tiền mặt: tính từ lúc tiền ra khỏi doanh nghiệp tới lúc doanh nghiệp thu được tiền. Một doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng nhanh khi vong quay tiền mặt của họ nhanh. Việc sẵn tiền từ chính hoạt động kinh doanh giúp họ chử động những cơ hội để phát triển: Thế giới Di động, Vietjet Air là những doanh nghiệp có vòng quay tiền mặt từ 90 ngày. Tức mỗi 3 tháng dòng tiền lại quay về doanh nghiệp giúp họ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.
Dựa vào những thông tin trên, bạn trẻ có thể tham khảo để lựa chọn cho mình hướng đi khởi nghiệp hợp với mình nhất. Chúc các bạn khởi nghiệp thành công, mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội.