BẠCH CÔNG TỬ VÀ HẮC CÔNG TỬ QUA CÂY BÚT NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI
* Nguyễn Ngọc Phan
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, còn thường gọi George Phước, là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho xưa, là một nhân vật được xem là có công phát triển nghệ thuật cải lương với gánh Huỳnh Kỳ nổi tiếng. Hắc công tử là ông Trần Trinh Huy còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba hay Công tử Bạc Liêu. Cha của Hắc công tử là Trần Trinh Trạch, chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha ruộng, gần 100.000ha ruộng muối, vài chục căn phố lầu ở Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng….
>> Tham khảo thêm: ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT LÀ AI?
Sự ăn chơi và thi thố khoe sự giàu có của hai vị công tử này như “đốt tiền nấu trứng (hoặc nấu đậu xanh ? ), dùng tờ giấy bạc bộ lư 100 đồng làm đuốc soi tìm cây trâm người đẹp…hay thuê cả chục chiếc xe kéo, ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, gậy….từ lâu trở thành những huyền thoại “Chơi sang như công tử Bạc Liêu”. Nhiều chuyện được thêu dệt như có phần quá đáng và chưa có sự kiểm chứng bằng những tư liệu thành văn có liên quan, hầu hết chỉ truyền miệng. Để hiểu rõ hơn về các giai thoại xung quanh hai vị Công tử này, xin giới thiệu quyển sách của tác giả Mộng Xuân (1) tựa đề Bạch Công tử gặp Hắc Công tử, in năm 1925 tại nhà in Xưa nay (Sài Gòn).
Trang bìa, tác giả phụ đề là tiểu thuyết “Tấn hí kịch Sóc Trăng”. Đây là quyển sách khá mỏng, vỏn vẹn 20 trang. Mở đầu sách là phần Mượn thế kim tiền kết bạn, tác giả mô tả “Đây xin nói về miệt Tiền Giang có một vị công tử con nhà thế phiệt dòng dõi trâm anh, người ta thường kêu tặng là cậu Tư; tuy nhà giàu dòng quan, song cậu Tư tánh tình thuần hậu, duy có thói quen ăn chơi xa xí. Nhà cậu Tư rần rần giai nhân tao khách, ngâm hoa gợi nguyệt. Cậu Tư Tiền Giang tuy ăn xài phóng túng, song không làm hại ai.
Nói về ở miền Hậu giang cũng có một vị công tử con một vị đại điền chủ kia, tuy không nhờ tài ba lỗi lạc mà nên cửa nên nhà, song biết nhờ cái máy làm giàu vặn trùng cái chốt ấy nên đặng gia tư phong phú. Cậu công tử này là Hắc công tử, người ta lại tặng là cậu Ba “Điếm đàng xấc xược, vô sở bất vi, thường ỷ thế hiếp cô, cậy giàu khi khó mà tánh hoa nguyệt cũng chẳng vừa dám tốn ngàn cò xanh (giấy bạc con cò) mua một trận cười….”
Hai người vốn nghe tiếng tăm nhau và gặp nhau ở xóm Bình Khang (Sài Gòn)- nơi “chợ hoa” nghe đồn tăm tiếng. Rồi kết bạn. Bạch Công tử có xuống Hậu giang chơi. Từ đó chỗ nào có mặt Bạch thì Hắc cũng có mặt.
Thời gian sau, Bạch Công tử vớ được một giai nhân tuyệt sắc (tác giả không nói rõ là ai) song mô tả “Hoa cười ngọc thốt, đi đứng nghiêm trang, Người đẹp cho tới sợi tóc kẻ răng, đẹp tới kẻ tay móng cẳng”
Do có giai nhân bên cạnh nên Bạch Công tử bỏ hẳn chốn ăn chơi thị thành. Thấy vắng quá lâu, Hắc Công tử không hiểu vì sao bèn đánh xe hơi xuống Tiền giang thăm hỏi cho ra lẻ. Rượu ngà ngà, Bạch Công tử kêu “Mình a, ra đây chào khách”. Ngó người đẹp “mặt tròn da trắng, bộ tướng yêu điệu, ăn nói khoan thai nhã nhặn, cậu Ba hồn phách bay mất rượu chưa cạn ba ly mà trí đã không nhứt định, còn cậu Tư tính thiệt, không chút để ý”.
Sau đó, cậu Ba rủ cậu Tư lên Sài Gòn chơi.
>> Tham khảo thêm: ÔNG ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC LÀ AI? TIỂU SỬ CHI TIẾT
Phần 2 “Vì câu hoa nguyệt sanh thù”, là điểm nhấn của quyển sách, bởi sau cuộc gặp gỡ này, Hắc Công tử đem lòng tơ tưởng đến giai nhân, bèn lập kế rủ Bạch Công tử lên Sài gòn chơi. Được vài hôm, Hắc công tử bảo có việc nhà nhắn về gấp. Bạch công tử đinh ninh bạn mình nói thiệt, nên ở lại Sài gòn đợi ít hôm, sau đó hai người sẽ ra Long Hải hứng gió như kế hoạch đã sắp đặt. Song Hắc Công tử đã không về Bạc Liêu. Ông ghé lại Mỹ Tho gặp giai nhân của Bạch Công tử nói dối rằng “Tôi với cậu Tư là bạn thân thiết, tôi sợ cậu chơi sa đề mà hư, nên ghé cho cô hay hiện cậu Tư đang điếu với một con lai kia, mới 16 -17 tuổi, ở tại nhà ngủ tây, nếu cô lên đó thì gặp liền”. Hắc công tử còn “ra tay nghĩa hiệp” mời giai nhân lên xe, đưa lên Sài Gòn tìm giúp. Nhưng xe không chạy về Sài Gòn mà nhắm hướng Vĩnh Long thẳng tiến. Họ ghé lại một bungalow. Tại đây, Hắc công tử bày các chiêu dụ dỗ, kể cả biện pháp tiền bạc…để người đẹp xiêu lòng. Qua ngày hôm sau thì họ lên xe về miệt Cần Thơ.
Riêng về cậu Tư Bạch Công tử sau 3 ngày đợi bạn không được, trong lòng nóng như lửa đốt bèn bương bả về nhà. Khi nghe người nhà báo lại “ cục cưng” của mình đã lên xe theo Hắc công tử, cậu Tư nổi giận đùng đùng, lận theo cây súng sáo, lên xe chạy thẳng xuống Cần Thơ tìm tình địch. Đến nơi thì biết được Hắc Công tử đã đi Sóc Trăng dự lễ Cai Tổng thăng hàm. Bạch Ông tử bương bả qua Sóc Trăng. Họ gặp nhau, lời qua tiếng lại, Hắc công tử tỏ ra lỗ mảng hơn “Tôi có biết ai là tình nhân của ai đâu. Dầu cho tình nhân cậu quả có theo tôi, ấy là tự ý nó, tôi không nài hoa ép liễu mà cũng không rù quến bướm ong. Nó muốn tôi nó theo…mà sao a ?”
Thấy chuyện gai mắt, một võ sĩ tên là Bá Tấn Dệ vốn có không ưa Hắc công tử nhảy vô can thiệp, đấu võ rồi thách nhau đấu súng. Phe Bạch Công tử có võ sĩ Bá Tấn Dệ, phe Hắc công tử có Sạt-ly. Đúng lúc ấy thì cò Tây xuất hiện, bắt 4 người giải về Sở Tuần thành. Sau đó họ phải ra tòa, Hắc công tử vì không có phép dùng súng nên bị phạt, Bạch công tử tuy thắng trong trận này, nhưng vẫn mang tâm trạng sầu não…
Câu chuyện trên được kể dưới dạng tiểu thuyết, ắt hẳn cũng có phần hư cấu, song người kể là một nhà văn đương thời, có lẻ lúc này chưa có huyền thoại về chuyện “đốt tiền nấu trứng” hay các giai thoại khác được thêu dệt theo kiểu chuyện Bác Ba Phi lưu hành trong khoảng thời gian gần đây.
>> Tham khảo thêm: NGUYỄN HẢI NINH - NGƯỜI VIỆT TRẺ CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG NHẤT CHÂU Á