Hầu hết những bạn chủ quán cafe, từ đơn vị nhỏ lẻ mà mình có dịp tiếp xúc, thì hầu hết đều là tay ngang về quản trị, sau đó có đi học thêm những khóa pha chế, đầu bếp bên ngoài và ra mở tiệm. Một số khác thì từng có thời gian làm ở quán ở các vị trí như thu ngân, pha chế, nắm được công thức rồi cũng ra lập nghiệp riêng.
Nên, hầu hết điểm yếu các bạn là Tài Chính.
Trong bài tâm sự hôm nay, mình xin nói về chủ đề, để mở một quán cafe, một nhà hàng, cần dựa trên những căn cứ nào để ước lượng vốn mình bao nhiêu là hợp lý, tránh đâm đầu vào đá với khoản vốn quá nhỏ, và bạn sẽ chết vì vận hành khi quán hoạt động. Dĩ nhiên, số liệu con số chính xác không có được vì nó phụ thuộc quy mô bạn mở, mô hình FnB bạn chọn, và khu vực bạn mở (như Q1 thì chi phí sẽ cao hơn vùng ven)
1. Chi Phí Mặt Bằng
Rõ ràng, cái này là thấy ngay trước mắt.
Thứ 1, 1 điều ít ai chú ý, là ngành FnB, bạn sẽ cần tái tu bổ thường xuyên, nên phải có 1 khoản dự phòng cho việc này, chưa kể nhiều khi làm vài tháng, phát hiện concepts không hợp lý và phải tái sửa chữa lại quán, nếu lúc đó hết tiền thì...
Thứ 2, 1 điều nữa là để quán thu về đủ vốn đã đầu tư ban đầu, bạn phải giữ được mặt bằng ít nhất 3 năm trở lên, tức khi thuê phải chú ý thuê dài hạn MB, cũng đồng nghĩa thực tế tiền cọc và tiền ứng trước khoản thuê sẽ lớn; chứ không như đi thuê nhà hay VP để làm việc là 1 tháng tiền nhà, 2 tháng tiền cọc đâu. Kiểu đó thì chủ nhà họ lấy lại nhà, cùng lắm bồi thường gấp đôi tiền cọc là hết (nếu đàng hoàng), tức 1 tháng bạn thuê 20tr, thì chỉ được bồi hoàn 80tr, nhưng decor quán cafe cũng toàn trăm triệu trở lên, chưa kể chi phí marketing kéo khách đến quán, tức 100% bạn lỗ nặng rồi đấy.
Vì khoản phí này nặng nếu bạn cần đủ vốn an toàn, nên người kinh doanh lâu năm, ai cũng nói ngành FnB cần nhiều vốn là vậy, khoản khởi nghiệp vài trăm triệu ngành này thực sự quá mong manh, khởi nghiệp sẽ rất vô cùng hên xui, kiểu đánh bài.
2. Chi phí sửa chữa lại mặt bằng
Nhiều nơi phải làm lại cả cống thoát nước, đập cả mặt bằng vì hư hỏng do đơn vị cũ làm, xây mới luôn đấy.
Nếu đập xây mới, cân nhắc:
- Công xây dựng thợ thầy
- Lắp Kính
- mua Bàn Ghế
- Ốp bảng hiệu Alu trước quán
- Làm trần Thạch Cao
- Đi hệ thống điện - máy lạnh trong nhà
- Làm đường ống nước
- Sơn nhà
- Phí đầu tư làm toalet (mua bồn cầu, lavabo, lót gạch...)
- Làm cửa cuốn
- Gắn hệ thống phun sương (nếu sân vườn)
- Thi công tiểu cảnh (phun nước,...)
- Phí gắn dàn đèn
- Phí hệ thống loa.
3. Chi phí decor, trang trí mặt bằng
Thường gồm (chỉ gợi ý)
- Dán Tường
- Đồ Decor (bể cá, chậu cảnh, cây cối,...)
- Tủ Kệ Treo Tường
- Tivi (nếu cần)
- Hộp đèn (nếu cần nổi bật buổi tối)
- Quạt Hút
- Vẽ Tường
- Đèn Trang Trí
Thực tế nếu bạn khoán hết cho 1 đơn vị thi công thiết kế nội thất, thì lọ cân tất hết, bạn chỉ trả 1 khoản phí duy nhất mà thôi.
Vậy vấn đề cần rõ ràng ở đây là gì, bạn phải có bản concept quán sẽ làm trong tay rồi mới dự tính sẽ thuê mặt bằng thế nào, size,... đáp ứng được concept đó, xem đủ tiền không? Rồi mới đi thuê nhé. Thực tế, anh em toàn làm ngược, thuê mặt bằng trước rồi suy nghĩ decor thế nào (rất hay lên mấy cái group FnB hỏi, mình thấy riết cũng nhàm)
Lưu ý, với những quán cafe sang trọng, thì mức giá cho việc thiết kế và nội thất sẽ cao hơn.
4. Chi phí lắp đặt quầy thu ngân, quầy bar, setup bếp.
3 yếu tố quan trọng nhất của FnB
Bạn sẽ cần phải bỏ ra một số tiền cần thiết để chi vào việc mua các trang thiết bị: quạt thông gió, quầy pha chế, hệ thống điện nước, cốc, chén,...
Quầy Bar Thường gồm (gợi ý)
- Máy pha cafe
- Máy xay cafe
- Máy xay sinh tố 2 cối
- Máy ép hoa quả
- Thùng đá
- Dụng cụ pha chế, Ly Tách
- Kệ Ly, Bồn rửa ly
- Kệ để cafe
- Bảng đèn Menu.
- Tủ đựng bánh (nếu cần)
....
Quầy Thu Ngân thường gồm (gợi ý)
- Máy tính tiền
- Máy in bill
- Két tiền
- Máy vi tính
- Loa, Amply
- Máy in văn bản (laser A4)
Ở quán cũng nên đầu tư thêm 1 máy chiếu, tiện cho thuê ai đó cần làm tiệc, event,...
5. Chi phí đăng ký kinh doanh quán
- Nếu đăng ký hộ cá thể, bạn đóng khoán phí hàng tháng.
- Nếu đăng ký doanh nghiệp (phải nhắm liệu có thể mua NVL có hóa đơn đầu vào không, vì chỉ mua nhiều mới có) thì đăng ký dạng doanh nghiệp, đóng thuế môn bài và hàng năm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp
Nếu đi dạng doanh nghiệp, thì nên dự trù khoản phí cho việc báo cáo thuế hàng tháng, phí thành lập công ty,... tầm 10tr lo hoàn tất cho việc này.
- Phí đăng ký bảo hộ Logo và tên thương hiệu quán
(thường 2 - 3tr cho việc đăng ký bảo hộ)
- Phí bảo kệ/tháng (nên đi dò la trước)
- Phí an ninh đô thị/tháng (không mốt để xe nó hốt ráng chịu)
6. Chi phí mua NVL ban đầu cho quán
Quán cafe khi đã đi vào hoạt động thì chi phí lớn nhất sẽ là nguyên vật liệu pha cafe. Hãy tính toán kỹ khoản này nhé
Nên dự trù dư ra, để đảm bảo kể cả khi quán ế khách, NVL đổ bỏ, bạn vẫn còn đủ tiền để tiếp tục nhập NVL về phục vụ khách nhé, nhất là kinh doanh những món ăn dạng thực phẩm tươi.
7. Chi Phí Khai Trương quán
8. Chi Phí Marketing bắt buộc có ban đầu để kéo khách
Nhiều người vì thiếu cái này, dẫn đến quán ế khách, cũng không có tiền bung để kéo khách về, dù món ngon, đồ uống hấp dẫn. Thời buổi hữu xạ tự nhiên hương, lâu lắm!!!
9. Quỹ lương nhân viên hàng tháng
Thường gồm các vị trí cơ bản
Quản lý
Pha chế
Phục vụ
Thu ngân
Bảo vệ
Bạn nên ước lượng 1 khoản tiền đủ khả năng thanh toán lương tối thiểu 3 tháng cho tất cả anh em, để yên tâm là quán vận hành ổn dù ế khách ban đầu, không lo thiếu tiền trả lương người ta.
10. Chi Phí Vận Hành khi quán hoạt động
Thường gồm các khoản cơ bản
- Phí internet
- Phí điện, nước, rác
- Phí truyền hình cáp, K+ (nếu có chiếu đá banh)
- Phí in ấn (vouhcer, tờ rơi,...)
- Phí mua sắm vật dụng quán (bao nylon đựng rác, nước lau sàn, khăn lau bàn...) vì những đồ này rất may hết, hay hư trong tháng
- Chí Phí sữa chữa (đèn, máy lạnh,...) vì nó mở quá nhiều giờ/ngày nên việc hết ga máy lạnh, đèn hư bóng là như cơm bữa, nên dự trù 1 khoản phí dự phòng việc này
Đến đây, thì mọi người nắm cơ bản các hạng mục rồi đó, nếu bạn dự đĩnh mở quán thì giờ là việc của bạn nè, hãy đi khảo sát thực tế để có chi phí chính xác, rồi lập bảng dự toán chi phí trước khi đầu tư thực tế nhé.
Thà chết ở trên giấy
Đừng chết ở thương trường
Không phải ai cũng có cơ hội khởi nghiệp lần 2 đâu.
- Chúc anh/chị/em nhiều sức khỏe, thành công -
____________
© Nguyễn Tuấn Hùng | Cộng đồng Kinh Doanh F&B Việt Nam