Đây là một câu chuyện được lan truyền từ lâu trên Internet. Mặc dù có thể không có thật, nhưng câu chuyện để lại trong chúng ta nhiều bài học thú vị về hiện tượng đầu cơ nói chung và trên thị trường chứng khoán nói riêng.
Chuyện như sau:
Ngày xưa, ở một đảo trù phú có một ngôi làng sống rất êm đềm và mọi người rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Họ phân chia công việc tùy theo sở trường của mỗi người, người đi cày cấy, người chăn nuôi, dạy học, kinh doanh, buôn bán… Nơi đây được mệnh danh là thiên đường dưới trần gian mà ai cũng muốn đến sinh sống. Tuy nhiên, dân làng ở đây có một chút rắc rối nhỏ, đó là khu làng có rất nhiều Khỉ, chuyện tưởng bình thường, nhưng vì Khỉ sinh sản quá nhanh nên chúng xuất hiện khắp nơi và thỉnh thoảng phá hoại nông sản của làng. Vì vậy, mọi người trong làng thường không thích Khỉ, họ luôn tìm cách xua đuổi lũ Khỉ phá hoại này đi càng xa càng tốt.
Thời gian cứ trôi đi mãi đến một ngày kia, có 1 thương gia giàu có đến đảo, ông nghe hòn đảo này có nhiều Khỉ và tỏ ý muốn mua Khỉ và lập ra Công ty thu mua Khỉ, xây dựng 1 trang trại thật to trên đất của làng. Thế là ông thông báo cho dân làng trên đảo rằng: ông sẽ mua Khỉ với giá 20 đồng vàng/con. Điều này, thật tuyệt với dân trên đảo, với giá 20 đồng vàng gấp 10 lần giá tivi họ đang xem, gấp 5 lần xe máy họ chạy. Thế là mọi người đi bắt Khỉ xung quanh nhà mình bán lại cho người thương gia. Người thương gia mua và trả tiền đầy đủ cho dân làng. Ông thông báo chỉ mua Khỉ thiên nhiên thôi, không mua Khỉ nuôi.
Thế rồi, ngoài công việc thường ngày kiếm sống, dân làng lại có thêm 1 nghề tay trái “bắt Khỉ”. Thu nhập từ việc bắt Khỉ đã giúp cho đời sống dân làng ngày được cải thiện tốt hơn. Họ có thể mua sắm nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn. Con Khỉ từ 1 con vật bị xua đuổi thành con vật quí đối với dân làng ở đây. Khỉ trở thành đề tài thảo luận của mọi người ở khắp làng xã thôn xóm.
Việc “bắt Khỉ” làm cho số lượng Khỉ càng giảm, việc tìm bắt Khỉ khó khăn hơn. Nhà thương gia tốt bụng quyết định tăng giá mua Khỉ nhằm hỗ trợ người dân bắt Khỉ với giá 40 đồng vàng. Vì giá Khỉ tăng cao, nên việc tìm “bắt Khỉ” ngày một được tham gia đông đảo của nhiều tầng lớp trong làng, từ cô bán báo cho đến các anh kỹ sư, bác sĩ, và có cả các bô lão có chức quyền. Khắp nơi “người người bắt Khỉ, nhà nhà bắt Khỉ” và nghề “Bắt Khỉ” trở thành nghề làm ăn phát đạt nhất, kiếm tiền dễ nhất. Nên mọi người bắt đầu vay tiền ngân hàng, thế chấp nhà cửa đầu tư vào “Kinh Doanh Khỉ” với 1 lời 1. Ngân hàng kinh doanh cho vay cũng phát đạt hơn, nên khuyến khích hỗ trợ vốn cho “kinh doanh Khỉ”. Đồng thời, Ngân hàng cũng tăng cường đầu tư vào “kinh doanh Khỉ”. Tuy nhiên, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, Các Bô Lão đưa ra các luật kinh doanh Khỉ và điều kiện hành nghề kinh doanh Khỉ rồi cấp chứng chỉ. Do nhu cầu xã hội, làng quyết định lập ra cả 1 “Đại Học Khỉ” nhằm dạy kỹ thuật “bắt Khỉ” và nghiên cứu về Khỉ cũng như cấp chứng chỉ cho học viên học về Khỉ để hành nghề “bắt Khỉ”.
Khỉ càng lúc càng hiếm và quí hơn trong khi người “bắt Khỉ” ngày một đông. Một lần nữa, người thương gia tốt bụng biết được khó khăn của người dân nên nâng giá Khỉ lên 80 đồng vàng và phối hợp với ngân hàng địa phương hỗ trợ chi phí “Bắt Khỉ” thêm 20 đồng vàng. Con Khỉ từ không có giá trị giờ là 100 đồng vàng như 1 gia tài khổng lồ. Hòn đảo như đang sôi sục về Khỉ. Các anh/chị bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… chuyển sang nghề “Bắt Khỉ” thay vì làm nghề cũ biết bao giờ mà giàu. Được biết, hơn 90% dân cư của đảo đã chuyển sang hành nghề “Bắt Khỉ”.
Cứ thế, được 1 năm kể từ ngày ông thương gia tốt bụng đến đảo, giúp hòn đảo này phát triển phồn thịnh hơn bao giờ hết với việc mua lại hơn 10 triệu con Khỉ từ dân làng. Nay, ông cần về nhà giải quyết chuyện gia đình. Nên ông thông báo với cư dân đảo rằng ông sẽ giao quyền cho một anh thanh niên – đẹp trai và hiền lành, tốt bụng để điều hành công việc thu mua Khỉ cho bà con.
Anh thanh niên giúp việc của Ông chủ chỉ cho dân làng thấy những cái lồng đầy khỉ và nói: “Tôi chán công việc này lắm rồi, mặc kệ ông chủ với lũ khỉ của ông ta. Tôi sẽ bán cho mọi người 75 đồng một con, khi nào chủ tôi quay lại các vị hãy bán cho ông ta 100 đồng”.
Dân làng, các công ty mừng rỡ liền dốc hết tiền bạc trong nhà ra, tranh nhau mua khỉ đưa về nhốt trong các truồng trại mà mình đã xây dựng sẵn, những người chậm chân thì kêu gào khóc lóc, người mua được nhiều thì sung sướng hả hê.
Vào cuối tuần đó, Anh thanh niên “biến mất”. Cơ sở trang trại trống trơn…
Mọi người trên đảo hồi hộp chờ đợi ông chủ quay lại. Nhưng đợi mãi mà chẳng thấy ông chủ và anh thanh niên giúp việc đâu. Chỉ thấy trên đảo nhà nhà, nơi đâu cũng toàn chuồng khỉ. Hàng ngày còn phải cho chúng ăn nữa. Dân làng ai cũng tức giận đỏ hết cả mặt nhưng không biết bán lũ khỉ cho ai.
Sau này người ta gọi con khỉ dưới cái tên cổ phiếu. Việc giận đến đỏ mặt là lý do tại sao bảng giá khi thị trường đi xuống thường xuất hiện màu đỏ.
Chứng khoán hay con khỉ đều có giá, giá của nó có thể là giá trị và trong một chừng mực nhất định được phản ánh thông qua giá cả mua bán trên thị trường. Giá thị trường có thể biến đổi theo quan hệ cung cầu và không phải lúc nào cũng theo chiều theo mong muốn của chúng ta, chúng ta cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức để biết được giá trị thực của chứng khoán ở đâu, tránh những chiêu lừa như những dân làng trong câu chuyện trên.
Theo Lan Chi,
Link: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-va-con-khi-post44622.html