Quảng cáo
Biti's: Cách

SERIES CÁC KHÁI NIỆM VÀ THUẬT NGỮ CƠ BẢN TRONG CHỨNG KHOÁN

Kinh Tế Học Cập nhật 17 tháng 09

PHẦN 1: MỆNH GIÁ CHỨNG KHOÁN - VỐN ĐIỀU LỆ - VỐN CHỦ SỞ HỮU - VỐN HÓA THỊ TRƯỜNG

1.Mệnh giá chứng khoán

Câu chuyện như sau: 3 người bạn cùng nhau góp vốn được 1 tỷ đồng để thành lập 1 Công ty với tỷ lệ góp vốn là: người A góp 50% tương đương 500 triệu đồng, người B góp 30% tương đương 300 triệu đồng và người C góp 20% còn lại tương đương 200 triệu đồng. Như vậy là được 1 tỷ tương đương 100% cổ phần. Sau 1 năm kinh doanh khá thuận lợi và đã chia chác lại hết cho các thành viên theo tỉ lệ vốn góp trên. Bây giờ người A góp 50% nói rằng anh ý đang cần tiền và muốn bán bớt đi 1 phần là 100 triệu vốn góp (10%), đề nghị 2 thành viên còn lại nếu có tiền có thể mua lại phần vốn góp đó. 2 người B và C đều từ chối với lí do “không đủ tiền góp”. Người A sau một hồi tìm kiếm người mua, cuối cùng đã tìm được người D đồng ý mua 100 triệu vốn góp đó. Tuy nhiên người D đề nghị là chỉ giữ 1 thời gian ngắn và sẽ lại chuyển nhượng lại cho người khác tiếp khi thấy đươc giá. Mỗi lần chuyển nhượng như vậy thủ tục khá lằng nhằng và mất thời gian, gây khó khăn cho việc bán phần vốn góp này. Và công ty quyết định họp nhau lại thống nhất chia 1 tỷ đồng vốn góp làm 100 phiếu, mỗi phiếu đại diện cho 1 phần vốn góp là 10 triệu đồng. Và thêm 1 quy định, cứ 1 quý họp 1 lần để bàn chiến lược kinh doanh, những ai cầm phiếu là cổ đông và cùng là chủ của Công ty, còn việc chuyển nhượng cho nhau và thanh toán ra sao, các cổ đông tự làm với nhau. Như vậy, người D mua của người A 10% tức 10 phiếu, sau nửa năm công ty mở rộng thêm 1 cửa hàng, nên người D quyết định bán 3 phiếu cho người E, 5 phiếu cho người F và 2 phiếu cho người G (đưa Phiếu thì lấy tiền luôn sau khi 2 bên Mua Bán và kiểm tra). Lúc này cơ cấu cổ đông thay đổi liên tục gồm: Người A 40 phiếu (40%) – Người B 30 phiếu (30%) – Người C 20 phiếu (20%) – Người E 3 phiếu (3%) – Người F 5 phiếu (5%) – Người G 2 phiếu (2%).

Như vậy, mỗi phiếu ở trên có thể hiểu là 1 CỔ PHIẾU với Mệnh giá cổ phiếu gốc là 10 triệu đồng. Trong thực tế khi chưa lên sàn, các Công ty Cổ phần mỗi Công ty đặt Mệnh giá 1 kiểu, có nơi đặt 10 ngàn đồng, có nơi đặt 100 ngàn đồng hay 10 triệu đồng như đã nói trong ví dụ trên. Nên khi nói tôi đang cầm 5.000 cổ phiếu Công ty X, nói thật là mình cũng chưa hình dung được vốn góp thực của họ là bao nhiêu? 5.000 cổ phiếu của mệnh giá 10 ngàn đồng sẽ rất khác với 5.000 cổ phiếu của mệnh giá 1 triệu đồng. Để tránh sự hiểu lầm nói trên và tạo ra sự thống nhất cao, trước khi lên sàn chứng khoán, theo quy định của Luật Chứng khoán thì tất cả các Công ty Cổ phần này sẽ phải đổi toàn bộ số cổ phiếu của mình về MỆNH GIÁ GỐC: 10.000 vnđ/cổ phiếu. Với Trái phiếu thì Mệnh giá gốc sẽ là: 100.000 vnđ/trái phiếu hoặc bội số của 100.000 vnđ (Như 200.000 vnđ, 300.000 vnđ, … 1 triệu đồng/trái phiếu). Như vậy có thể hiểu Mệnh giá Chứng khoán là giá gốc của 1 cổ phiếu hoặc 1 trái phiếu khi góp vốn ban đầu. Trên cơ sở giá Gốc đó với giá thị trường hiện tại và tình trạng Công ty, ta có thể đánh giá được là thị giá hiện tại là đang “đắt” hay “rẻ”.

2.Vốn điều lệ - Vốn chủ sở hữu

Có câu chuyện sau: 2 người bạn cùng nhau góp vốn được 400 triệu đồng để lập 1 Công ty. Vốn góp của mỗi người chia đều là 200 triệu đồng/người (tỷ lệ sở hữu là 50% mỗi người). 3 năm sau, ngoài việc bảo vệ được vốn gốc góp ban đầu là 400 triệu đồng thì Công ty còn có Lãi chưa chia và tích lũy được là: 200 triệu đồng. Khi đó theo thuật ngữ Báo cáo tài chính, ta có:

Vốn điều lệ ban đầu: 400 triệu

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ban đầu: 0đ

Vốn chủ sở hữu ban đầu: 400 triệu đồng

Sau 3 năm kinh doanh có lãi 200 triệu :

Vốn điều lệ: 400 triệu đồng

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: 200 triệu đồng

Vốn chủ sở hữu: 600 triệu đồng

Vốn điều lệ được hiểu là Vốn góp gốc ban đầu của chủ sở hữu công ty. Trên Báo cáo tài chính còn được gọi là Vốn cổ phần. Vốn điều lệ cũng là để chia số lượng cổ phiếu. Ví dụ với Vốn điều lệ 400 triệu đồng ở trên mà Mệnh giá Cổ phiếu theo quy định là 10.000 đồng/cổ thì Tổng số cổ phiếu của Công ty sẽ là 40.000 cổ phiếu. Còn Lợi nhuận sau thuế chưa Phân phối là Lãi từ việc Kinh doanh nhưng chưa chia và Vốn chủ sở hữu là tất cả Vốn thuộc về cổ đông với cấu thành chính là từ Vốn Điều lệ và Lợi nhuận sau thuế chưa Phân phối. Như vậy Lợi nhuận sau thuế chưa Phân phối sẽ làm cho Vốn điều lệ không đổi và Vốn chủ sở hữu tăng.

3.Vốn hóa thị trường

Hãy tưởng tượng: 1 công ty là 1 thùng bia và mỗi lon bia là 1 cổ phiếu. Thị giá 1 lon bia là 25.000 đồng (1 cổ phiếu) thì giá trị của 1 doanh nghiệp (1 thùng bia có 20 lon) sẽ là 25.000 x 20 = 500.000 đồng. Ta gọi 500.000 đồng là vốn hóa thị trường của doanh nghiệp.

Công thức tính vốn hóa thị trường:

Vốn hóa = thị giá hiện tại của 1 cổ phiếu x số lượng cổ phiếu Đang Lưu Hành

Vốn hóa thị trường thể hiện quy mô lớn nhỏ của một công ty nên điều này được đánh giá là quan trọng. Vốn hóa thị trường là thứ rất dễ tính toán và hiệu quả để đánh giá thước đo rủi ro từng doanh nghiệp. Những công ty có vốn hóa càng cao thì rủi ro có xu hướng thấp hơn và ngược lại.

Hết phần 1, hẹn các bạn tại phần 2 trong series này.

Theo Huy Phan

Link: https://thuvienchungkhoan.vn/von-chu-so-huu-va-von-dieu-le-trong-dau-tu-chung-khoan/