Các khoản cho vay dành cho người tiêu dùng thường rơi vào hai loại chính: vay thế chấp và vay tín chấp. Sự khác biệt cơ bản giữa hai phương thức cho vay này là sự hiện diện tài sản thế chấp, có thể là xe cộ, nhà cửa, đất đai,… Các tài sản này có mục đích chính là nhằm bảo đảm quyền lợi của bên cho vay trong trường hợp việc người vay không trả nợ.
Vay tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, khách hàng chỉ được yêu cầu bộ hồ sơ vay đơn giản gồm các giấy tờ cá nhân như CMND, sổ hộ khẩu, sao kê bảng lương,… Như đúng tên gọi của mình, vay “tín” chấp dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân và công ty đang công tác để phục vụ cho các mục đích cá nhân. Uy tín của người vay sẽ được đánh giá qua xác minh thu nhập cũng như lịch sử tín dụng của họ.
Thông thường, khách hàng vay với hình thức tín chấp chủ yếu là vay tiêu dùng cá nhân. Khách hàng chỉ cần thanh toán một khoản tài chính vừa phải hàng tháng trong suốt quá trình vay tiền, hay còn gọi là trả góp.
>>> Tham gia cộng đồng kinh doanh: Vietnam Business News
Hạn mức của một khoản vay tín chấp ở Việt Nam thường giao động từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng và thời hạn trả góp cho khoản vay tín chấp thường từ 12 tháng đến 60 tháng.
Lãi suất vay tín chấp của mỗi ngân hàng cũng khác nhau. Lãi suất được tính dựa trên số tiền bạn vay cũng như điều kiện bạn đáp ứng. Ngoài ra, sự trượt giá của tiền đồng theo thời gian vay cũng làm cho giá trị khoản vay ban đầu có “giá trị” hơn trong tương lai.
Trái ngược với vay tín chấp, vay thế chấp là hình thức vay tiền yêu cầu người vay phải có tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay. Tài sản mang đi thế chấp phải vẫn đảm bảo quyền lợi đối với bên cho vay, ở đây là quyền lợi sở hữu. Ví dụ: khách hàng vay thế chấp có thể vay thế chấp khi có tài sản là đất đai, nhà cửa, xe cộ…
Khi được ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp nhận hồ sơ vay thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn nhưng giấy tờ chứng minh sở hữu thì được ngân hàng, tổ chức tín dụng giữ lại. Trong trường hợp không có khả năng trả nợ, người cho vay, có thể là ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sẽ tịch thu tài sản thế chấp để bù đắp cho khoản vay không được thanh toán đầy đủ.
Hình thức vay thế chấp nên được lựa chọn khi bạn cần những khoản đầu tư cần vốn lớn. Bởi số tiền được ngân hàng xét duyệt cho vay khá lớn từ 70% đến 100% giá trị tài sản bạn thế chấp. Thời gian thanh toán nợ của một khoản vay thế chấp cũng linh hoạt kéo dài theo nhu cầu của người vay.
Rủi ro vỡ nợ của một khoản vay thế chấp, hay còn gọi là rủi ro đối tác đối với bên người cho vay, thường tương đối thấp vì người vay “mất nhiều hơn được” khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay của mình. Bên cạnh đó, vì tài sản thế chấp đã phần nào giảm thiểu rủi ro của bên nên lãi suất của các khoản vay này thường thấp hơn của các khoản vay tín chấp.
Mỗi ngân hàng sẽ có thêm những yêu cầu khác ngoài yêu cầu có tài sản đảm bảo để xét duyệt vay thế chấp. Tuy nhiên tài sản mang đi thế chấp để vay sẽ được ngân hàng kiểm định và định giá.
Người vay cần cân nhắc nhu cầu vốn vay cũng như khả năng trả nợ của mình để quyết định hình thức vay phù hợp. Thông thường hiện nay hình thức vay thế chấp thường được áp dụng cho những khoản vay có nhu cầu vốn lớn và tài sản đảm bảo thế chấp có giá trị tương đương với lượng vốn cần vay. Ngược lại, hình thức tín chấp thường giải quyết nhu cầu cấp bách với số vốn ít và trong thời gian ngắn hơn.
>>> Xem bài học kinh doanh, kiến thức kinh tế marketing ứng dụng: https://www.youtube.com/@KIENTHUCKINHTE
Cụ thể:
– Vay thế chấp: khách hàng có nhu cầu vay với số tiền lớn trong thời gian dài nhằm phục vụ mua sắm các tài sản như vay mua nhà, đất đai, xe cộ… trong trường hợp này tài sản đảm bảo ( thế chấp) có thể là chính tài sản mà khách hàng mua sắm hay những tài sản thế chấp bổ sung như sổ đỏ, sổ hồng. Thời hạn vay đối với vay thế chấp thường rất dài, vay mua xe lên đến 8 năm và vay mua nhà đất lên đến 25 năm.
– Vay tín chấp: khách hàng tham gia vay tín chấp thường để giải quyết nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, giải trí của bản thân và gia đình (mua sắm các thiết bị gia đình, cưới hỏi, xây sửa nhà, .…). Thời gian vay tùy theo quy định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, đa số là từ 12 tháng – 48 tháng.
Tóm lại, mỗi hình thức vay vốn đều tồn tại những ưu nhược điểm riêng, để lựa chọn được hình thức vay vốn phù hợp bạn nên cân nhắc kỹ dựa vào nhu cầu của bản thân, khả năng trả nợ của mình và nên tham khảo kỹ thông tin khi quyết định vay vốn.
>>>Xem thêm:4 BỘ PHIM ĐEM LẠI BÀI HỌC QUÝ GIÁ VỀ MAKERTING KHÔNG THỂ BỎ QUA