Quảng cáo
Biti's: Cách

Ngân hàng 167 tuổi Credit Suisse lớn đến thế nào? Tại sao lại sụp đổ?

Tài chính Cập nhật 20 tháng 03

Credit Suisse chính là ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ được thành lập từ năm 1856. Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, “đại gia ngân hàng Thụy Sĩ” này bị loại khỏi cuộc chơi vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật nhất là vì không kiểm soát được rủi ro, chậm thay đổi sau khủng hoảng tài chính 2008 và làm mất niềm tin sâu sắc nơi khách hàng.

Tầm vóc của ngân hàng Credit Suisse

Ngân hàng Credit Suisse được thành lập vào năm 1856 bởi một chính trị gia và doanh nhân Thụy Sỹ Alfred Escher. Với lịch sử phát triển 167 năm, Credit Suisse đóng vai trò trung tâm trong lịch sử và phát triển của Thụy Sĩ.

Trải qua nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập, Credit Suisse phát triển thành một trong những ngân hàng cho vay lớn thứ hai ở Thụy Sĩ và là một trong những ngân hàng lớn nhất ở châu Âu, với hơn 50.000 nhân viên và quản lý tài sản trị giá 1,6 nghìn tỷ franc Thụy Sĩ (1,62 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2021.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã xếp Credit Suisse vào danh sách các ngân hàng quan trọng toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với hệ thống tài chính của Thụy Sĩ. Điều này có nghĩa là một thất bại của ngân hàng này sẽ gây ra "tổn hại đáng kể cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Thụy Sĩ".

ngân hàng Credit Suisse sụp đổ

Phía trước một trụ sở ngân hàng Credit Suisse

Tại sao ngân hàng Credit Suisse sụp đổ?

Credit Suisse thất bại vì quá tự tin sau khi thoát khỏi khủng hoảng 2008

Trong năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra và hệ thống tài chính gặp phải sự sụp đổ, Credit Suisse trở nên nổi bật nhờ vào tình trạng sức khỏe tốt hơn so với nhiều đối thủ khác. Không giống như các ngân hàng khác, Credit Suisse không phải dựa vào bất kỳ gói cứu trợ nào.

Tuy nhiên, sau đó, họ chậm chạp trong việc thích nghi với những thay đổi của ngành ngân hàng sau khủng hoảng. Credit Suisse đã tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư đang phát triển mạnh mẽ mà không có sự kiểm soát, và phải xoay xở chuyển sang các mảng kinh doanh ổn định hơn. Đặc biệt, họ không thể thay đổi được tâm lý chuộng rủi ro của mình.

Theo nhận xét của Andreas Venditti - một nhà phân tích ngân hàng tại Vontobel, Credit Suisse đã cảm thấy như là người chiến thắng trong khủng hoảng tài chính, trong khi những đối thủ khác đều phải gánh chịu thiệt hại. Vì vậy, họ đã tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh này.

Credit Suisse đã hỗ trợ vốn cho các tuyến đường sắt trên dãy Alpine và sự phát triển của Thung lũng Silicon. Họ cũng quản lý tài sản cho hoàng gia Arab, các tài phiệt Nga và đối đầu với những công ty lớn tại Wall Street. Tuy nhiên, Credit Suisse phải đối mặt với việc kiểm soát rủi ro và tìm kiếm cách thức để tăng doanh thu.

Sự khủng hoảng của Credit Suisse bắt nguồn từ việc liên tục thay đổi quản lý cấp cao

Trong những năm gần đây, Credit Suisse đã liên tục thay đổi lãnh đạo cấp cao, khiến cho hoạt động của ngân hàng bị áp lực. Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm hơn 95% so với đỉnh điểm trước khủng hoảng tài chính, với vốn hóa khoảng 8 tỷ USD tính đến giá chốt phiên cuối tuần trước.

Vào tháng 1 năm 2019, một cuộc xung đột đã xảy ra giữa Tidjane Thiam - CEO của Credit Suisse lúc đó và Iqbal Khan - người điều hành mảng quản lý tài sản của ngân hàng. Cuộc xung đột bắt đầu từ lời phê phán của Khan đối với khu vườn của Thiam, sau đó đã leo thang thành một vụ bê bối lớn về quản trị doanh nghiệp của Credit Suisse.

Vài tuần sau cuộc xung đột này, Khan đã nghỉ việc và chuyển sang làm tại đối thủ của Credit Suisse là UBS, gây lo ngại rằng ông có thể lôi kéo các nhân sự chủ chốt của Credit Suisse theo sau. Credit Suisse đã thuê một công ty an ninh tư nhân để giám sát hoạt động của Khan, nhưng ông đã phát hiện ra điều này. Credit Suisse đã nhanh chóng phủ nhận vụ việc này.

Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2020, Thiam đã bị buộc thôi việc và chủ tịch Credit Suisse - Urs Rohner đã đổ lỗi cho ông vì làm suy giảm lòng tin, danh tiếng và uy tín của ngân hàng. Cơ quan quản lý ngân hàng Thụy Sĩ cũng đã phát hiện ra thêm 5 trường hợp khác bị Credit Suisse thuê để giám sát giai đoạn 2016-2019 trong cuộc điều tra do Khan thúc đẩy. Theo Bloomberg, bầu không khí độc hại tại cấp cao nhất của Credit Suisse đã góp phần tạo ra những sai lầm trong hoạt động của ngân hàng này.

Credit Suisse không thể đưa ra giải pháp, lún sâu vào thất bại

Vào tháng 3/2021, Credit Suisse nhận được tin tức rằng khách hàng lớn nhất của họ không thể trả nợ 2 tỷ USD đúng hạn. Đó là Archegos Capital Management, một quỹ đầu tư có trụ sở tại New York của Bill Hwang. Trước đó hai ngày, Archegos đã dàn xếp với các bên cho vay khác và không đủ tiền trả nợ cho Credit Suisse. Sự việc này đã dẫn đến một cuộc chiến đổ lỗi trong nội bộ của ngân hàng này. Các giám đốc điều hành ở New York, London và Zurich đã đẩy trách nhiệm cho nhau thay vì tập trung kiểm soát thiệt hại. 

Trong khi đó, các ngân hàng khác đã bán bớt tài sản thế chấp của Archegos một cách nhanh chóng, Credit Suisse lại mất gần hai tuần để đưa ra mức thiệt hại ban đầu khoảng 4,7 tỷ USD. Sau đó, con số này tăng lên 5,5 tỷ USD, xóa sạch lợi nhuận của họ trong hơn một năm. Vụ việc này đã đẩy Credit Suisse vào cuộc khủng hoảng niềm tin.

Các giám đốc điều hành Credit Suisse đã bị sa thải vì không bảo vệ được tổ chức và các khách hàng giàu có. Ngân hàng này cũng đang vướng vào các vụ kiện tụng có thể kéo dài 5 năm, do các khoản vay cấp cho quỹ đầu tư Greensill Capital đã phá sản.

Credit Suisse đã phải đóng băng 10 tỷ USD liên quan đến Greensill Capital. Tiền phạt và số vụ kiện tụng tăng lên nhanh chóng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng và cản trở Credit Suisse đầu tư vào các lĩnh vực khác như công nghệ. 

Ngân hàng Credit Suisse cũng đối mặt với chỉ trích sau khi một cuộc điều tra của nhiều hãng thông tấn trên thế giới vào năm 2022 phát hiện ngân hàng đã cung cấp dịch vụ tài chính cho các cá nhân liên quan đến hoạt động phạm pháp như tra tấn, buôn bán chất cấm, rửa tiền, tham nhũng cùng những hành vi khác trong nhiều thập kỷ.

Credit Suisse cũng thừa nhận cấu trúc quản lý trong hoạt động báo cáo tài chính của ngân hàng này vẫn tồn tại "một số điểm yếu" vào đầu tuần này. Nhưng ngân hàng Credit Suisse đã cam kết rằng các lãnh đạo doanh đang tích cực làm việc nhằm củng cố hệ thống quản lý rủi ro của doanh nghiệp này.

Credit Suisse có nỗ lực, nhưng đã mất niềm tin… và mất tất cả

Vào tháng 10 năm ngoái, Credit Suisse đã bổ nhiệm Chủ tịch Axel Lehmann và Giám đốc điều hành Ulrich Koerner để điều hành ngân hàng. Nhằm cắt giảm nhân sự và tăng vốn, Credit Suisse đã huy động được 4 tỷ USD. Ulrich Koerner nói rằng Credit Suisse sẽ lợi nhuận từ năm 2024. 

ngân hàng Credit Suisse sụp đổ

Chủ tịch của Credit Suisse - Axel Lehmann

Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi, thời kỳ lãi suất thấp đã kết thúc và kinh tế toàn cầu đang rơi vào hỗn loạn, khiến việc lấy lòng tin của nhà đầu tư trở nên khó hơn. Vào ngày 15/3, cổ phiếu Credit Suisse giảm 24% xuống thấp kỷ lục do Chủ tịch Saudi National Bank Ammar Al Khudairy, cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, phủ nhận khả năng tăng đầu tư. Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bơm tiền cho Credit Suisse chỉ giúp chặn lại đà giảm trong thời gian ngắn. 

Các khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD vào quý cuối năm ngoái do lo ngại về sức khỏe tài chính của Credit Suisse. Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận với UBS vào đêm 19/3, Chủ tịch Credit Suisse thừa nhận rằng sự mất lòng tin ngày càng tăng và tình trạng tồi tệ vài ngày qua cho thấy Credit Suisse không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như hiện nay. "Một khi niềm tin đã mất, bạn không thể xây dựng lại nó", John Plassard, chuyên gia đầu tư tại Mirabaud (Thụy Sĩ) nói.

Như vậy, Credit Suisse - ngân hàng từng lớn thứ 2 Thụy Sỹ, có tầm quan trọng hàng đầu châu Âu và thế giới, đã đặt dấu chấm hết sau 170 năm tồn tại, sau những cuộc khủng hoảng không thể nào cứu vãn. Credit Suisse đã được USB - ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ mua lại với giá 3,2 tỷ USD. Sau khi tiếp quản Credit Suisse, quy mô mảng quản lý tài sản của UBS sẽ lên 5.000 tỷ USD. Họ cũng sẽ nhận thêm mảng kinh doanh tại Thụy Sĩ đầy sinh lợi của Credit Suisse.

Nguồn: Kiến thức kinh tế tổng hợp

>>> Xem thêm: 

Tổng hợp diễn biến Silicon Valley Bank sụp đổ

Những nguyên nhân dẫn đến ngân hàng phá sản

Ngân hàng kiếm tiền bằng cách nào?

Xem nhiều bài học kinh doanh, kinh tế hữu ích: Kênh youtube KIEN THUC KINH TE official

Tham gia cộng đồng kinh doanh lớn nhất Việt Nam: Vietnam Business