Giá vàng, dầu và đô la Mỹ (USD) là những thành tố đóng vai trò quan trọng, có tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Vậy mối quan hệ của chúng như thế nào, hãy cùng Kiến Thức Kinh Tế tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Dầu là đầu vào quan trọng cho sản xuất, khi giá dầu thay đổi, toàn bộ nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của nhiều quốc gia. Điều này giải thích vì sao Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ bao gồm các nền kinh tế không lớn, nhưng lại có tiếng nói rất lớn trên các diễn đàn thế giới.
Do dầu có vai trò quan trọng như vậy, nên nhiều quốc gia, nhiều tổ chức đầu cơ vào dầu thông qua hợp đồng tương lai và quyền chọn. Khi kinh tế phát triển không ổn định, nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào vàng và dầu để bảo vệ tài sản của mình. Trên phương diện đầu cơ này, có thể nói, dầu và vàng là 2 hàng hoá bổ sung cho nhau, giá cả của chúng có xu hướng biến động cùng chiều.
Tuy nhiên, khác với vàng, vai trò của dầu với tư cách là hàng hoá cũng rất lớn, lớn hơn cả vai trò là hàng hoá để đầu cơ. Trong tình hình suy thoái hiện nay, nhu cầu về dầu với tư cách là một hàng hóa (nhiên liệu) bị giảm sút quá mạnh do hoạt động sản xuất - kinh doanh bị thu hẹp. Trong khi đó, các nước sản xuất dầu vẫn phải sản xuất, vì họ phụ thuộc nặng vào nguồn thu từ dầu và quy trình sản xuất dầu khá phức tạp, không thể dừng lại trong một sớm một chiều. Điều này làm cho giá dầu giảm.
Tóm lại, khi kinh tế phát triển bình thường thì giá dầu và vàng có xu hướng biến động cùng chiều. Nhưng khi kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng dẫn tới nhu cầu về dầu với tư cách đầu vào cho sản xuất bị giảm sút quá mạnh, thì giá dầu có thể thoát ly khỏi giá vàng.
Dầu là đầu vào quan trọng cho sản xuất, khi giá dầu thay đổi thì giá vàng cũng biến động
Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng mạnh tới giá Vàng là đồng Đô la Mỹ. USD được coi là đồng tiền quan trọng bậc nhất trong giao dịch quốc tế cùng với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ như đồng EUR (Euro), GBP (Bảng Anh), JPY (Yên Nhật),… Trong đó, chính sách tiền tệ và động thái điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Trung ương (ở đây là FED – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ tác động trực tiếp lên giá trị đồng USD, tỷ giá ngoại tệ.
Vàng được giao dịch tham chiếu với USD, do đó những thay đổi của FOMC (cơ quan trực thuộc FED) về chính sách tiền tệ cũng như thay đổi lãi suất sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá vàng – thị trường vàng.
Một mối quan hệ được biết đến rộng rãi trên thị trường Forex đó là mối tương quan nghịch giữa Vàng và USD. Bắt nguồn từ thực tế: Vàng được coi là công cụ hữu hiệu để phòng chống lạm phát nhờ vào giá trị “ổn định”, tăng dự trữ Vàng. USD thể hiện vị thế thông qua mức lãi suất được neo theo tỷ giá USD, khi giá trị trao đổi giảm đi, bạn phải mất nhiều USD hơn để mua được Vàng, nên giá trị Vàng được tăng lên. Và ngược lại khi giá trị USD tăng, cần ít USD hơn để mua Vàng, dẫn đến giá trị vàng tính bằng USD giảm xuống.
Vàng và USD có mối quan hệ ngược chiều nhau nhưng không phải tuyệt đối, vì còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới giá Vàng. Thứ nhất, Vàng là “tiền tệ” với vai trò dự trữ của các ngân hàng trung ương. Thứ hai, Giá trị đồng USD chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động giá Vàng và thực tế sự thay đổi của các yếu tố còn lại như: bất ổn chính trị, giá dầu, thị trường chứng khoán… có thể làm thay đổi mối tương quan ngược chiều này.
>>> 7 PHÚT NẮM TRỌN KIẾN THỨC VỀ CÁC LOẠI THUẾ
>>> Chu kỳ kinh tế là gì? Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế
>>> Kiến thức kinh tế cơ bản nhất định bạn phải biết
Trong lịch sử, giá dầu có tương quan nghịch với giá của đồng đô la Mỹ. Giải thích cho điều này, có 2 nguyên nhân sau:
- Giá dầu luôn được tính bằng đồng đô la Mỹ trên toàn thế giới. Khi đồng đô la Mỹ mạnh lên, bạn sẽ chỉ cần trả ít đô la hơn cho một thùng dầu. Và ngược lại.
- Trong suốt lịch sử nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ. Giá dầu tăng khiến thâm hụt cán cân thương mại của Hoa Kỳ cũng tăng lên vì cần trả nhiều đô la hơn cho mỗi thùng dầu. Tuy nhiên, nhờ vào sự thành công của các công nghệ khoan và khai thác dầu mỏ, đặc biệt là công nghệ khai thác fracking (công nghệ nứt vỡ thủy lực) đã làm tăng đáng kể năng lực sản xuất của Hoa Kỳ. Biến đất nước này trở thành đất nước xuất khẩu ròng dầu mỏ tinh chế, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô top đầu Thế giới.
Tựu chung lại, cả dầu và vàng đều được định giá bằng đô la Mỹ. Do đó, sự biến động của đồng đô la có thể khiến giá dầu thô và vàng quốc tế biến động cùng chiều. Mặt khác mối quan hệ phổ biến nhất giữa dầu và vàng chính là lạm phát. Khi giá dầu thô tăng sẽ khiến giá của các loại hàng hóa cũng tăng. Khi đó vàng sẽ là sự lựa chọn của các nhà đầu tư để bảo toàn vốn. Hy vọng rằng, bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về mối quan hệ giữa vàng, dầu và đô la Mỹ, từ đó sẽ giúp ích được phần nào trong việc phân tích thị trường cũng như lựa chọn kênh đầu tư, thời điểm đầu tư hiệu quả.