Quảng cáo
Biti's: Cách

Giám định bảo hiểm - Bên thứ ba độc lập hay “cánh tay phải” của doanh nghiệp bảo hiểm?

Chuyện kinh doanh Cập nhật 16 tháng 10

Không chỉ “cài cắm” những điều khoản được thiết kế sẵn trong hợp đồng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), khi rủi ro xảy ra, kết quả giám định thiệt hại từ bên thứ ba cũng thường gây bất lợi cho các khách hàng. Vậy sau hơn 20 năm thực tiễn áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, những vấn đề trên liệu có được thay đổi?



Theo quy định của Ðiều 48 Khoản 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, “khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH hoặc người được DNBH uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất”. Điều này tạo điều kiện cho nhiều DNBH “lợi dụng” các điều khoản trong hợp đồng soạn sẵn cũng như mối quan hệ với bên giám định và sự thiếu hiểu biết của khách hàng để giảm giá trị bồi thường khi rủi ro xảy ra.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Khai thác cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific, chia sẻ với phóng viên báo …. về nhiều “bất thường” trong hoạt động giám định thiệt hại tại sự cố hỏa hoạn nhà kho của công ty bà hơn hai năm trước.

Kho Pan Pacific Logistics rộng 30.000m2 ở khu công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bốc cháy ngày 11/4/2019, thiêu rụi toàn bộ trung tâm logistics hiện đại chứa đầy 8 tầng kệ hàng hóa với tổng trị giá thiệt hại gần 70 triệu USD.

“Bên mua bảo hiểm và DNBH vốn đã ‘thuận mua vừa bán’ trong việc xác định giá trị tài sản, quy chuẩn công trình, và mức mua bảo hiểm khi xác lập hợp đồng. Vậy nhưng khi sự cố xảy ra, DNBH phối hợp với bên giám định tìm cách ép giá trị tài sản một cách vô lý,” bà Huệ cho biết.

Theo bà Huệ, kho Pan Pacific của bà được xác nhận là trung tâm dịch vụ logistics đạt chuẩn tiêu chí hạng II – cấp vùng, phục vụ đa số là các công ty đa quốc gia. Khi hoàn thiện xây dựng trung tâm, bà đã mua hai gói bảo hiểm cho các hoạt động của công ty gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và các rủi ro đặc biệt và bảo hiểm trách nhiệm công cộng theo quy định của luật định.

Tuy nhiên sau khi vụ cháy xảy ra, DNBH đã “làm khó” về việc thẩm định hệ thống các hạng mục phòng chống cháy nổ để giảm chi phí bồi thường, trong khi các tiêu chuẩn này vốn đã phải được đảm bảo khi công ty bà xây công trình theo chuẩn hạng II và khi thống nhất theo đúng các thủ tục pháp lý và yêu cầu của bên bán bán bảo hiểm trước khi hai bên đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm.

Mặc khác, bà Huệ cho biết DNBH cùng một bên giám định đã đến nơi xảy ra hỏa hoạn để đo đạc “bằng tay” các cột, kèo, ốc vít,... tàn dư sau vụ cháy, không triệu tập đủ các thành phần như đã ghi trong biên bản giám định. Các tính toán theo đó chỉ được tính thủ công, giảm giá trị tài sản xuống chỉ còn phân nửa giá trị mua ban đầu và kết luận “rủi ro, tổn thất không thuộc phạm vi bảo hiểm” với phần tài sản còn lại.

“Các doanh nghiệp khác cần hết sức lưu ý bởi DNBH sẽ không chỉ lợi dụng những ‘khoảng hở’ trong hợp đồng để có thể lựa chọn phương án giám định có lợi cho họ, mà còn lợi dụng nhân sự của khách hàng còn thiếu chuyên môn mà ký xác nhận vào biên bản giám định tại thời điểm rối ren đó,” bà Huệ cảnh báo.

Trên cơ sở lấy ý kiến từ phía luật sư và công an chuyên trách, bà Huệ khẳng định kết luận giám định theo bản vẽ không có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên mỗi khi có những đề xuất được ngồi lại với DNBH để thương thảo thì đều bị trì hoãn và viện dẫn những lý do không thỏa đáng, kéo dài việc bồi thường cho đến tận bây giờ.

Trong giai đoạn khó khăn vì vừa phải phục hồi nhà xưởng để vận hành sản xuất trở lại, vừa phải đảm bảo nghĩa vụ pháp lý với hơn 16 doanh nghiệp thuê xưởng, bà Huệ cho rằng bản thân bà đã sơ suất khi làm việc với DNBH, khiến họ có lý lẽ để chậm chi trả các khoản bồi thường và căn cứ các tài liệu không được làm rõ từ đầu.

“Thay vì nhận được một chiếc phao cứu sinh, chúng tôi giờ đây mang thêm một gánh nặng cả vật chất và tinh thần khi phải làm việc với đơn vị bảo hiểm thiếu nghĩa vụ đạo đức”, bà chia sẻ.

Thực tế theo luật định, khi người giám định độc lập là do hai bên bán và mua bảo hiểm đồng thuận chỉ định thì “kết quả giám định có giá trị bắt buộc đối với các bên”. Do đó doanh nghiệp khách hàng cần hiểu và chủ động tận dụng quyền “trưng cầu giám định độc lập” để giảm thiểu mối liên hệ “ngầm” giữa DNBH và bên giám định. Điều này cũng cần phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng của hai bên hoặc DNBH cần cung cấp danh sách nhà giám định để doanh nghiệp lựa chọn khi sự cố xảy ra.

Để đảm bảo tính độc lập về lợi ích và hoạt động giữa DNBH và các công ty giám định, các chuyên gia cho rằng cần có những điều chỉnh pháp lý trong Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Các cơ quan quản lý cũng từ đó có cơ sở rõ ràng để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoạt động của công ty giám định, đảm bảo tính khách quan trong hoạt động của các đơn vị này.

Theo đó, bà Phạm Thị Bích Huệ cùng lãnh đạo các doanh nghiệp đã đề xuất một số sửa đổi trong Luật kinh doanh bảo hiểm trong buổi làm việc chiều ngày 07/10 với Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo kế hoạch, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ hai dự kiến vào cuối tháng 10 này. 

Bích Trâm