Quảng cáo
Biti's: Cách

ĐÔ LA HÓA LÀ GÌ?

Kinh Tế Học Cập nhật 09 tháng 11

Đô la hóa là gì?

Đô la hóa là một thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng một ngoại tệ được sử dụng bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn nội tệ giữ vai trò là đồng tiền pháp định.

Ngoài ra, đô la hóa còn được hiểu là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng bao gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ.

Như vậy, biểu hiện rõ ràng nhất của hiện tượng đô la hóa là khi người dân của một quốc gia chọn sử dụng một loại tiền tệ có tính ổn định hơn để thực hiện các giao dịch hàng ngày, thay vì sử dụng đồng nội tệ. 

Đô la hóa là gì

Đô la hóa tiếng Anh là Dollarization hoặc Currency Substitution (Ảnh minh họa) 

Phân loại đô la hóa

Đối với việc phân loại đô la hóa, các nhà phân tích thường sử dụng 3 tiêu chí sau đây để phân loại. 

Tiêu chí về tính hợp pháp

Với tiêu chí này, hiện tượng đô la hóa được phân thành 3 loại cơ bản sau:

  • Đô la hóa không chính thức: Là tình trạng mà ngoại tệ được người cư trú của một nước sử dụng để làm phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán giá trị hoặc phương tiện tích lũy giá trị rộng rãi trong nền kinh tế nhưng không được phép hoặc không được sự công nhận của pháp luật nước đó.
  • Đô la hóa bán chính thức: Loại đô la hóa này còn được gọi là đô la hóa từng phần. Đây là tình trạng mà ngoại tệ được sử dụng như một đơn vị kế toán, phương tiện trao đổi, dự trữ giá trị và phương tiện thanh toán trong khi đồng nội tệ của quốc gia đó vẫn tồn tại và lưu thông. Với loại đô la hóa này, đồng ngoại tệ được sử dụng như một đồng tiền hợp pháp thứ hai của nền kinh tế. 
  • Đô la hóa chính thức: Hay còn gọi là đô la hóa hoàn toàn. Là việc ngoại tệ được người cư trú sử dụng để thực hiện các chức năng của tiền tệ và được sự cho phép hoặc cộng nhận của luật pháp nước đó. Tức là đồng ngoại tệ được sử dụng hợp pháp trong các hợp đồng giữa các bên tư nhân và hợp pháp trong các khoản thanh toán của Chính phủ. Hiện tượng đô la hóa chính thức sẽ gắn liền với thị trường ngoại hối chính thức, là nơi được phép tiến hành các giao dịch mua bán ngoại tệ để phục vụ các mục đích thanh toán, mua bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật như tại các Ngân hàng thương mại.

Tiêu chí về quy mô sử dụng đồng ngoại tệ trong nền kinh tế

Tiêu chí này phân loại đô la hóa thành 2 loại:

  • Đô la hóa toàn phần (full dollarization): Là trường hợp mà ngoại tệ được sử dụng trong toàn bộ nền kinh tế như là đồng tiền pháp định duy nhất (hoặc đồng bản tệ chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể) và được pháp luật cho phép. Đô la hóa toàn phần luôn là đô la chính thức.
  • Đô la hóa một phần (partial dollarization): Là việc ngoại tệ được sử dụng trong một phạm vi nào đó của nền kinh tế. Đô la hóa một phần có thể là đô la hóa chính thức hoặc không chính thức. Hiện tượng đô la hóa một phần thường phản ánh mong ước của người dân muốn đa dạng hoá tài sản để đảm bảo tài sản của họ không bị mất giá trị do sự giảm giá của đồng nội tệ trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn định và mức lạm phát cao.

Tiêu chí dựa vào chức năng tiền tệ

  • Đô la hóa thay thế tài sản (asset substitution): Là việc người cư trú sử dụng ngoại tệ thay cho đồng nội tệ trong chức năng dự trữ giá trị. Điều này thể hiện ở việc doanh nghiệp và người dân nắm giữ ngoại tệ tiền mặt và duy trì tài khoản ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng. 
  • Đô la hóa thay thế thanh toán (currency substitution): Là việc người cư trú sử dụng ngoại tệ thay cho nội tệ trong phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. 

Nguyên nhân của hiện tượng đô la hóa

 

Hiện tượng đô la hóa diễn ra khá phổ biến tại các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Tuy nhiên, với mỗi nước khác nhau nguyên nhân gây ra tình trạng đô la hóa cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế: 

Do đồng nội tệ chưa tự do chuyển đổi: Tại một quốc gia, đồng tiền nội tệ chưa được tự do chuyển đổi, đặc biệt là tự do chuyển đổi cán cân vãng lai thì đồng tiền nội tệ sẽ trở nên kém hấp dẫn so với ngoại tệ. Từ đó tình trạng dự trữ ngoại tệ sẽ xảy ra và kết quả là đồng ngoại tệ sẽ lấn át đồng nội tệ trong chức năng cất trữ và hiện tượng đô la hóa sẽ tồn tại như một hiện tượng kinh tế khách quan.

Do lạm phát cao và kéo dài: Nếu một nền kinh tế mà giá trị đồng nội tệ có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền ngoại tệ khác thì trong ba chức năng của tiền tệ, chức năng dự trữ giá trị của tiền tệ luôn được xem xét đầu tiên khi quyết định danh mục đầu tư tài sản, tài chính. Nếu một nền kinh tế mà đồng nội tệ bị mất giá, sức mua giảm sút thì người dân sẽ không dự trữ bằng đồng nội tệ mà thường đầu tư bằng ngoại tệ để đảm bảo giá trị tài sản. 

Lạm phát kéo dài

Lạm phát kéo dài có thể gây ra hiện tượng đô la hóa

Chính sách quản lý ngoại hối lỏng: Các chính sách về quản lý ngoại hối ở các nước cho phép người dân được cất trữ, nhận, thanh toán, gửi rút ra bằng ngoại tệ một cách tự do sẽ góp phần làm gia tăng mức độ đô la hóa. Theo đó, nếu các nước có chính sách ngoại hối cho phép các doanh nghiệp được nhận ngoại tệ quá rộng rãi, các ngân hàng mở thu đổi ngoại tệ tràn lan hay các chính sách kiều hối cho phép dân chúng nhận, gửi, rút ra bằng ngoại tệ một cách dễ dàng thì ở nước đó đang tạo điều kiện thuận lợi cho hiện tượng đô la hóa gia tăng. 

Hệ thống thanh toán ngân hàng chưa phát triển: Nếu một quốc gia mà việc thanh toán bằng đồng nội tệ đôi khi còn gặp khó khăn do hệ thống ngân hàng kém phát triển, hoạt động thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt và với các nước có mệnh giá nhỏ thì hoạt động thanh toán tiền mặt bằng ngoại tệ sẽ phát triển. Từ đó làm gia tăng hiện tượng đô la hóa thay thế thanh toán.

- Nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và sự ảnh hưởng từ các dòng vốn quốc tế. Từ đó doanh nghiệp có nhu cầu nắm giữ một lượng ngoại tệ để mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế

- Việc thực thi pháp luật, Pháp lệnh ngoại hối chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nên các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ vẫn tồn tại trên thị trường tự do.

- Lượng du khách nước ngoài gia tăng, số lượng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập gia tăng kéo theo đó là sự gia tăng lượng ngoại tệ chi tiêu.

- Do thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ của người dân

KIEN THUC KINH TE (tổng hợp)