CPA là gì? Toàn tập về chứng chỉ CPA Việt Nam
CPA (Certified Public Accountants) hay kế toán viên công chứng được cấp phép là những người hành nghề kế toán, kiểm toán được công nhận bởi các Hiệp hội Nghề nghiệp trong nước hoặc quốc tế.
CPA Việt Nam là chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên được cấp bởi Bộ Tài chính sau khi bạn vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên. Chỉ khi có chứng chỉ CPA Việt Nam thì bạn mới được xem là một kiểm toán viên, có quyền điều hành hoạt động kiểm toán và ký báo cáo kiểm toán tại Việt Nam.
Trong bài viết này, FTMS Việt Nam sẽ giới thiệu đến các bạn những thông tin tổng quan nhất về chứng chỉ CPA Việt Nam. Mời các bạn quan tâm cùng theo dõi nhé!
CPA là gì?
Như đã giới thiệu ở đầu bài viết, CPA (Certified Public Accountants) hay kế toán viên công chứng được cấp phép là những người hành nghề kế toán, kiểm toán được công nhận bởi các Hiệp hội Nghề nghiệp trong nước hoặc quốc tế.
Tại Việt Nam, các kế toán viên và kiểm toán viên thường theo đuổi chứng chỉ CPA Việt Nam hoặc CPA Úc để chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nhằm tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến trong công việc hay mở công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán của riêng mình.
Chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên (CPA Việt Nam) được cấp bởi Bộ Tài chính sau khi bạn vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ. Chứng chỉ CPA Việt Nam cũng là điều kiện bắt buộc để trở thành hội viên của Hiệp hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam (VACPA).
Còn với chứng chỉ CPA Úc (hay chứng chỉ CPA Australia), bạn phải hoàn thành kỳ thi do Hiệp hội Kế toán Công chứng Úc (CPA Úc) tổ chức. Những người đã có chứng chỉ CPA Việt Nam sẽ được miễn 3/12 môn thi chứng chỉ CPA Úc.
Toàn tập về CPA Việt Nam
Những ai cần có chứng chỉ CPA Việt Nam?
Một kiểm toán viên thông thường sẽ không bắt buộc phải có chứng chỉ CPA, bạn sẽ bắt buộc cần có chứng chỉ CPA Việt Nam nếu muốn làm các công việc sau.
- Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc (công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh), chủ doanh nghiệp của các công ty kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
- Thành viên góp vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên kinh doanh dịch vụ kế toán;
- Kiểm toán viên ở các công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân cần ít nhất 5 kiểm toán viên có chứng chỉ CPA khi đăng ký thành lập).
Điều kiện dự thi CPA
Người dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác với tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư số 91/2017/TT-BTC.
Tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học được hiểu là:
– Tổng số đơn vị học trình chỉ tính phần học lý thuyết và bài tập của các môn học, không tính số tiết quy đổi đơn vị học trình của báo cáo thực tập, báo cáo kiến tập, báo cáo thu hoạch của người học;
– Trường hợp bảng điểm đại học của người đăng ký dự thi không ghi rõ số đơn vị học trình mà chỉ ghi số tiết học của các môn học thì tổng số tiết học của các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế phải từ 7% tổng số tiết học của khóa học trở lên.
+ Số học trình (hoặc tiết học) của các môn Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công, Tài chính quốc tế…được tính là số học trình (tiết học) môn Tài chính.
+ Số học trình (hoặc tiết học) các môn Phân tích hoạt động kinh doanh, Phân tích hoạt động kinh tế…được tính là số học trình (tiết học) môn Phân tích hoạt động tài chính.
- Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi. Thời gian công tác thực tế về kiểm toán bao gồm thời gian làm trợ lý kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán, thời gian làm kiểm toán nội bộ tại bộ phận kiểm toán nội bộ của đơn vị, thời gian làm kiểm toán tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
Về thời gian thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán được tính cộng dồn theo các thời gian công tác có xác nhận trên các Giấy xác nhận thời gian thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán, xét trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp (ghi trên bằng đại học hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi.
- Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định;
- Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật kế toán năm 2015.
Điều kiện nhận chứng chỉ CPA
- Người dự thi chứng chỉ CPA Việt Nam phải đạt 38 điểm trở lên (trừ môn ngoại ngữ chỉ xét đạt), trong đó mỗi môn không được dưới 5 điểm với các môn sau:
- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;
- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;
- Thuế và quản lý thuế nâng cao;
- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;
- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;
- Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;
- Ngoại ngữ (trình độ C): Chọn 1 trong 5 ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức.
- Đối với người đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán muốn dự thi lấy Chứng chỉ CPA phải đạt 12,5 điểm trở lên (trừ môn môn ngoại ngữ chỉ xét đạt), trong đó mỗi môn không được dưới 5 điểm với các môn sau:
- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;
- Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;
- Ngoại ngữ (trình độ C): 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức.
Thời gian cho mỗi môn thi là 180 phút. Riêng môn ngoại ngữ là 120 phút.
- Người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên thi 4 môn thi sau:
- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;
- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;
- Thuế và quản lý thuế nâng cao;
- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
Hồ sơ dự thi CPA
Đối với người đi thi lần đầu:
- Phiếu đăng ký dự thi:
- Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú.
- 1 ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai.
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc UBND địa phương nơi cư trú.
- Bản sao bằng tốt nghiệp được quy định tại điều kiện dự thi. Nếu là bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác thì phải nộp kèm bảng điểm có chứng thực ghi rõ số tiết của tất cả các môn học. Nếu người dự thi nộp bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì phải nộp kèm bảng điểm ghi rõ ngành học có chứng thực.
- 3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi.
Đối với người thi tiếp các môn chưa thi hoặc thi lại các môn chưa đạt yêu cầu
- Phiếu đăng ký dự thi:
- Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú.
- 1 ảnh màu (3×4) và đóng dấu giáp lai
- Bản sao Giấy chứng nhận điểm thi của các kỳ thi trước do Hội đồng thi thông báo;
- 3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi.
Đối với người đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán muốn dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề kiểm toán (CPA Việt Nam)
- Phiếu đăng ký dự thi:
- Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú.
- 1 ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc UBND địa phương nơi cư trú.
- Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề kế toán;
- 3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi.
Người đăng ký dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên cần gửi hồ sơ đến Hội đồng thi do Bộ Tài chính Việt Nam thành lập trước ngày thi ít nhất 30 ngày.
Các thông tin liên quan đến CPA Việt Nam được tổng hợp theo Thông tư 91/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính ban hành ngày 31/08/2017.