Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ là “phong vũ biểu” của nền kinh tế; là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Những cột mốc lịch sử
Thực hiện chủ trương về xây dựng Thị trường chứng khoán (TTCK) trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII thông qua vào năm 1996, Việt Nam đã nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất cho sự hình thành thị trường chứng khoán tại Việt Nam, trong đó có sự kiện thành lập Ủy ban Chứng khoán nhà nước tháng 11/1996. Sau hơn 3 năm tích cực thực hiện, đến tháng 7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã được khai trương, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam và tổ chức phiên giao dịch lần thứ nhất vào ngày 28/7/2020, đánh dấu sự ra đời chính thức của TTCK ở nước ta. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được hình thành ngay trong năm 2000 và từng bước phát triển. Dù mới ở thời kỳ sơ khai nhưng chỉ sau 1 năm hoạt động, TTCK đã gây được sự chú ý với các nhà đầu tư nước ngoài khi một nhà đầu tư cá nhân mang quốc tịch Anh đã khớp lệnh mua 100 cổ phiếu TMS.
Sau một thời gian hoạt động, khung khổ pháp lý đã bộc lộ những bất cập, làm kìm hãm sự bứt phá của TTCK. Do đó, năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ hơn về các hoạt động trên thị trường như phát hành, niêm yết, kinh doanh, giao dịch, công bố thông tin, xử lý vi phạm... Cũng trong năm 2003, Công ty quản lý quỹ tại Việt Nam VFM ra đời, đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong nước đầu tiên, đồng thời mở đầu cho một dạng đầu tư tập thể mới trên thị trường.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tiếp sau đó, TTCK Việt Nam tiếp tục có thêm bước tiến mới với sự ra mắt của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào năm 2005, hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung (OTC), tổ chức thị trường thứ cấp cho các chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế thỏa thuận và Trung tâm lưu ký chứng khoán vào năm 2006.
Đặc biệt, để tạo cơ sở cho TTCK phát triển nhanh, ổn định và đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời nhằm tạo điều kiện cho TTCK có khả năng hội nhập sâu hơn với các thị trường vốn quốc tế và khu vực, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2006, Luật chứng khoán đầu tiên đã ra đời, có hiệu lực từ 01/7/2007. Sự ra đời của Luật Chứng khoán 2006 đã hình thành một khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện, đáp ứng được yêu cầu về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK; đảm bảo các doanh nghiệp tham gia trên thị trường phải hoạt động công khai, minh bạch, từ đó góp phần làm minh bạch hoá nền kinh tế. Dù vậy, quá trình triển khai thực hiện Luật cũng vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế. Để khắc phục hạn chế này, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Nhờ đó, TTCK ngày càng trở thành kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế; giảm khoảng cách chênh lệch giữa kênh tín dụng ngân hàng với kênh thị trường vốn, nhằm tăng cường vốn đầu tư xã hội.
TTCK còn ghi nhận một sự kiện mới vào năm 2009, đó là việc hình thành trái phiếu Chính phủ. Đây là thị trường đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu, nhằm đáp ứng hai mục tiêu là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ công tác phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ và góp phần củng cố hình ảnh, độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Năm 2017, TTCK phái sinh được đưa vào vận hành với kỳ vọng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, cải thiện cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức, thúc đẩy thanh khoản trên TTCK cơ sở. Đây là một bước ngoặt mới cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Kỳ vọng nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay, tháng 11/2019, với 92,13% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán với nhiều điểm mới mang tính đột phá như: Nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao chất lượng báo cáo tài chính; đổi mới cơ chế đăng ký doanh nghiệp; tăng cường minh bạch thông tin; thống nhất một sở giao dịch chứng khoán; trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng chế tài xử lý vi phạm…
Sự trưởng thành của tuổi 20
Trải qua chặng đường 20 năm, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ trở thành một thị trường có quy mô đáng kể (so với GDP) trong khu vực, góp phần phát triển hệ thống tài chính quốc gia theo hướng cân bằng, bền vững hơn và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Các khu vực thị trường đã được hình thành, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu (trong đó có trái phiếu chính phủ) và TTCK phái sinh. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phiên giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam ghi nhận sự tham gia của 02 công ty niêm yết. Đến năm 2006, số công ty niêm yết trên TTCK là khoảng 200 công ty và con số này đến cuối năm 2019 là hơn 1.600 công ty. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ mức 0,3% năm 2000 lên mức 104% GDP tháng 6/2020. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 64,5% GDP năm 2019. Vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức 39% GDP năm 2019 (trái phiếu Chính phủ đạt 29,18%, trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,28%). Theo tính toán, trong 20 năm qua, vốn hóa TTCK ước tính tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm.
Sự phát triển mạnh mẽ của TTCK cũng đã giúp cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Ước tính tỉ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay ở mức khoảng 30,6%, không cách quá xa so với mức 68,7% của khu vực các tổ chức tín dụng và cao hơn nhiều so với tỉ trọng 21% của năm 2010…
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, song tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK vẫn đạt khoảng 107 nghìn tỷ đồng. Ước tính tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm được thực hiện qua kênh TTCK Việt Nam ở mức bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016-2019.
Dù còn khá non trẻ nhưng TTCK phái sinh cũng đã phát triển nhanh chóng trong hơn 3 năm với mức tăng trưởng giao dịch bình quân đạt 3,3 lần/năm, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển về công nghệ thông tin, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính, nhờ đó cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính tuân thủ của khách hàng và quản trị rủi ro trong quá trình hoạt động, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.
TTCK Việt Nam còn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có khoảng 33.000 tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD tính đến 30/6/2020. Chất lượng nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Việc tham gia tích cực của khối ngoại và các nhà đầu tư có tổ chức vào TTCK Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty, phát triển bền vững tại các doanh nghiệp. TTCK được xem là “bệ phóng” cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường như: Vietcombank, Vinamilk, Vingroup, Hòa Phát, FPT...
TTCK còn hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại DNNN.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng đang tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hơn, bền vững hơn thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tài chính toàn cầu, tiêu biểu là Sáng kiến Tài chính xanh với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Sáng kiến Quản trị công ty trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Sáng kiến các Sở Giao dịch chứng khoán bền vững… Đồng thời, TTCK Việt Nam đã chủ động và tích cực hòa mình vào xu hướng hội nhập chung của cả nước, thông qua các cam kết hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương lớn như: Hiệp định chung về thương mại, dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… hay các cam kết trong khuôn khổ hội nhập thị trường chung ASEAN.
Mặc dù hành trình 20 năm của TTCK Việt Nam được tô màu khá nhiều điểm sáng song vẫn còn những hạn chế. Các chuyên gia đánh giá, quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam mặc dù tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Cụ thể, giá trị vốn hóa TTCK của Việt Nam (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) năm 2019 tương đương 102,6% GDP, ở mức thấp so với các nước (Nhật Bản 337%, Singapore 257%, Thái Lan 161%, Malaysia 215%, Philippines 107%...). Ngoài ra, tính ổn định của thị trường chưa cao thể hiện qua việc vẫn còn bị tác động mạnh, biến động nhiều bởi những diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như giá dầu, tỷ giá, giá vàng, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế...
Bên cạnh đó, thanh khoản TTCK thể hiện qua tỷ suất vòng quay chứng khoán của Việt Nam dù tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức khá thấp so với khu vực và thế giới. Cụ thể, tỷ suất này của Việt Nam năm 2019 là 22,3%, thấp hơn nhiều so với mức 28,3% của ASEAN-5, 29% của Ấn Độ, 130% của Hàn Quốc, 223,7% của Trung Quốc và 87% bình quân thế giới.
Hơn nữa, nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường chưa thực sự phong phú, đa dạng, chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán chưa cao, thành phần nhà đầu tư tham gia TTCK chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư có tổ chức (các quỹ đầu tư) chưa nhiều. Cụ thể theo phân tích của các chuyên gia, trong số 1.723 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP. HCM) vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản trị còn ở mức thấp. Thị trường chưa cung cấp các sản phẩm quỹ đầu tư, sản phẩm liên kết bảo hiểm, hợp đồng quyền chọn, đầu tư có cam kết bảo toàn vốn,… Đến nay, nhiều nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu vẫn còn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội, công ty bảo hiểm…; trong khi đó, vẫn còn thiếu vắng các quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ với tư cách là nhà đầu tư trung dài hạn.
Thêm vào đó, nguồn nhân lực của TTCK còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng khi so với tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu được chú trọng đầu tư hơn, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của TTCK, bởi các ứng dụng chỉ mới được xây dựng ở mức cơ bản, vẫn còn phải đối mặt với rủi ro bảo mật, an toàn, an ninh mạng.
Kỳ vọng ngành chứng khoán vươn lên mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao mang tầm vóc khu vực, toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, cần yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính-tiền tệ nói chung và TTCK nói riêng. Thủ tướng giao nhiệm vụ ngay trong năm 2020, hệ thống nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cần được ban hành đồng bộ và nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan khác trong thời gian tới, để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức TTCK bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường ổn định, an toàn, bền vững, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp, hiệu quả đối với cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Một nhiệm vụ khác ngành chứng khoán cần thực hiện là tập trung đổi mới một cách căn bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ hiệu quả hệ thống giao dịch, thanh toán, giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ tài chính, chứng khoán; sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện số hóa tài sản giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực quốc tế; bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất.
Xác định chặng đường phía trước sẽ còn không ít khó khăn, thách thức, song với sức trẻ tuổi 20 cùng những thành quả đạt được trong những năm qua, ngành chứng khoán và TTCK Việt Nam tự tin, phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế./.