Nguyễn Hưng (28 tuổi, Hà Nội) chạy đôn đáo cả tháng nay để vay tiền sửa sang nhà cửa nhưng không được. Thế nhưng, một số ngân hàng từ chối thẳng vì hết "room" tín dụng (giới hạn cho vay), một số khác đồng ý nhận hồ sơ nhưng phải chờ, lãi suất cao và không nhận thế chấp chiếc ô tô cậu đang đi.
Nhiều trường hợp khác cũng phản ánh đã làm xong hồ sơ vay vốn mấy tháng nay nhưng đến nay ngân hàng thông báo chưa thể giải ngân vì hết hạn mức.
Ngân hàng cũng mòn mỏi chờ cấp thêm "room" vì năm nay "căng thẳng", lo lạm phát (ảnh minh họa)
Song không chỉ riêng với lĩnh vực bất động sản, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn với dòng vốn tín dụng.
Ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc vận chuyển Á Châu cho biết, việc vay vốn hiện nay khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản xuất do cạn room. Vị lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước vẫn phải mở room và cứu doanh nghiệp.
"Nếu không rất khó cho các doanh nghiệp, họ thực sự cần vốn, nhất là sau đại dịch bắt đầu đi vào ổn định, phục hồi sản xuất", ông Thành chia sẻ.
Siết tăng trưởng tín dụng, không "trị" đúng bệnh
Đại diện phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết "room" tín dụng là do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia về kinh tế băn khoăn, việc khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng không chỉ với bất động sản mà còn nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, tín dụng là kênh quan trọng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thời điểm này. Nếu hạn chế tín dụng giai đoạn này thì vô hình trung làm giảm lực phục hồi của doanh nghiệp, trong khi lúc này chiến lược của chúng ta là hỗ trợ họ hậu Covid-19.
Theo thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm nay có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay với họ chính là thiếu vốn. Vay ngân hàng không dễ dàng, trong khi chi phí đầu vào sản xuất đã tăng cao 30-50% "đè" gánh nặng lên doanh nghiệp giai đoạn phục hồi.