Quảng cáo
Biti's: Cách

Người 'chịu khó' súc họng sẽ giúp mình ít nhiễm trùng hô hấp hơn

Sống Cập nhật 03 tháng 04

TTO - Từ xa xưa, súc họng là một biện pháp vệ sinh phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, súc họng được chính phủ chính thức khuyến khích mạnh mẽ.

Dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo chính thức của Chính phủ và Bộ Y tế là thực hiện cách ly tại nhà, hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập, sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc ở những nơi công cộng, vệ sinh tay sạch sẽ, lau chùi kỹ các vật dụng hằng ngày, giữ gìn nhà cửa thoáng mát và vệ sinh, tập thể dục và có chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Trong bài viết này chúng tôi cố gắng trình bày hiệu quả của việc súc họng bằng nước muối và các loại dung dịch súc họng khác trong việc phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi khuẩn, do các loại virút trong đó có COVID-19 dưới cái nhìn của y học.

Súc họng giảm nhiễm trùng hơn không súc

Từ xa xưa, súc họng là một biện pháp vệ sinh phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, súc miệng được chính phủ chính thức khuyến khích mạnh mẽ để phòng dịch cùng với rửa tay, sử dụng khẩu trang và tránh tụ tập đông người. 

Điều này là do họ có một số nghiên cứu chứng minh súc họng có thể ngăn ngừa được một số bệnh nhiễm trùng hô hấp mà tiêu biểu là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên của Kazunari Satomura đăng trên tạp chí Y Học Dự Phòng của Hoa Kỳ năm 2005. 

Trong nghiên cứu này, có 387 người khỏe mạnh được theo dõi trong hai tháng mùa có bệnh cảm, bệnh cúm. Người ta chia những người tham gia nghiên cứu thành 3 nhóm: nhóm thứ nhất súc họng bằng nước sạch ít nhất 3 lần 1 ngày, nhóm thứ hai súc họng bằng dung dịch có chứa iốt 3 lần 1 ngày, và nhóm thứ 3 không súc. 

Kết quả cho thấy nhóm súc bằng nước có tỉ lệ bệnh ít hơn nhóm không súc là 36% và cũng có tỉ lệ bệnh ít hơn nhóm súc họng bằng dung dịch có chứa iốt. Tuy nhiên nghiên cứu này bị nhiều nhà nghiên cứu phương Tây hoài nghi về tính chính xác của nó.

Năm 2018, một số tác giả người Anh đã công bố một thử nghiệm lâm sàng thực hiện trong 26 tuần trên 66 bệnh nhân người lớn bị viêm đường hô hấp trên trong vòng 48 giờ. Trong đó có những trường hợp do virut corona gây ra, tuy nhiên độc lực khác với COVID-19 hiện nay. 

Những người tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm, một nhóm súc họng và rửa mũi 6 lần một ngày bằng dung dịch nước muối ưu trương xấp xỉ 3% được tạo ra bằng cách pha một muỗng muối bột vào một cốc nước sạch, nhóm còn lại thì được chăm sóc như thông thường. 

Kết quả cho thấy nhóm súc họng, rửa mũi có thời gian bị bệnh ngắn hơn, ít sử dụng các loại thuốc trị cảm, và ít gây lây nhiễm hơn nhóm không súc họng và rửa mũi. 

Tiếp theo sau đó, các tác giả này cũng tiến hành một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứng minh được các tế bào ở họng đã lấy clorine có trong dung dịch muối để tạo ra một phức hợp có thể chống được virút.

Dung dịch kháng khuẩn tốt 

Trong các loại dung dịch súc họng miệng không cần kê toa thì Povidone-iodine - tên thường gọi là Betadine - là một dung dịch nổi trội được sử dụng rộng rãi ở các nước Tây âu cũng như châu Á. 

 

Năm 2002, một số tác giả Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu trên 23 bệnh nhân có bệnh lý đường hô hấp mãn tính thường xuyên bị viêm đường hô hấp trong vòng hai năm. Các bệnh nhân này được cho súc họng bằng dung dịch betadine ít nhất 4 lần một ngày. 

Kết quả cho thấy tỉ lệ viêm đường hô hấp giảm đáng kể khi sử dụng betadine súc miệng, đồng thời tỉ lệ nhiễm các loại vi trùng nguy hiểm như Pseudomonas aeruginosa, tụ cầu kháng thuốc hay virút cúm giảm khoảng 50%. 

Trước đó, một nhóm nghiên cứu khác từ Nhật Bản cũng chứng minh Povidone-iodine có tác dụng nổi trội hơn so với các loại dung dịch súc miệng họng khác đang được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản như chlorhexidine gluconate và benzalkonium chloride trong việc làm bất hoạt nhiều loại virus phổ biến khác, như coxsackie, rhovovirus, adenovirus, rotavirus, rotavirus.

Năm 2018, các nhà nghiên cứu người Đức cũng tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy povidone-iodine với nồng độ 0,23% có thể tiêu diệt được 99% các loại vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên như Klebsiella pneumoniae và Streptococcus pneumoniae, đồng thời bất hoạt hoàn toàn được các loại virút họ hàng với COVID-19 trong hiện tại như SARS-CoV, MERS-CoV, virút cúm A (H1N1) và rota virút chỉ sau 15 giây tiếp xúc.

Một số nghiên cứu khác 

Các loại dung dịch súc miệng họng khác cho thấy ít có tác dụng kháng khuẩn hơn. Ví dụ, dung dịch Listerine đã được chứng minh là có hoạt tính kháng virút sau khi tiếp xúc ít nhất 30 giây ở các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhưng không có các dữ kiện chống lại được các virút thuộc họ corona virút. 

Có một số nghiên cứu nhỏ về tác dụng súc miệng bằng nước trà xanh, nước giấm táo trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên hiệu quả trên thực tế đối với bệnh nhân và chủng corona virut cụ thể thì không rõ. 

Một nghiên cứu khác thậm chí còn cho rằng chỉ cần súc bằng nước máy là có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng đường hô hấp trên ở người khỏe mạnh, nhưng sau đó có một nghiên cứu khác đã không ghi nhận kết quả này. 

Súc họng là một phương pháp vệ sinh họng đơn giản, dễ thực hiện, không tác dụng phụ, chi phí thấp, và có thể phòng ngừa và chữa trị một phần nào các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên. 

Súc họng đơn thuần có phải là phương pháp có thể ngăn ngừa hiệu quả đối với COVID-19 thì chúng ta chưa có đủ bằng chứng để kết luận. Tuy nhiên, cùng với tập thể dục giữ cho cơ thể khỏe mạnh, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người, vệ sinh nhà cửa thoáng mát sạch sẽ đồng thời với súc miệng họng nhiều lần trong ngày chắc chắn sẽ phòng ngừa COVID-19 hữu hiệu.

Một số lưu ý từ bác sĩ
Hết sức lưu ý rằng không phải ai cũng có thể súc miệng hiệu quả, đặc biệt là một số người bị đau cổ hạn chế sự vận động của cổ, những người bị đột quỵ liệt các dây thần kinh điều khiển các cơ ở vùng họng và hạ họng, những người mất trí nhớ, những người có thành họng dễ kích ứng hoặc trẻ em dưới 8 tuổi.
Một số người bị dị ứng với iốt hoặc những bệnh nhân có vấn đề về tuyến giáp thì không thể sử dụng các dung dịch súc miệng có chứa iốt.
Khi súc miệng bằng nước muối thì nên pha nước muối không quá mặn, chỉ cần mặn như nước canh là được và nếu được nên pha nước muối ấm.
Trên thị trường có dung dịch xịt họng khá tiện lợi, người dùng có thể mang theo ở nơi bất tiện.

BS, THS. NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - TRƯỞNG KHOA TAI MŨI HỌNG BV FV