Chỉ số EPS, P/E là những yếu tố để nhà đầu tư đánh giá tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn khi tham gia đầu tư vào cổ phiếu. Bởi vậy bất kỳ ai nếu muốn tham gia vào thị trường đầu tư tài chính cần phải nắm rõ hai chỉ số này.
Chỉ số EPS là gì?
EPS là viết tắt của Thu nhập trên mỗi cổ phiếu, hay phần lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu thường của các cổ đông, sau khi đã trừ đi cổ tức ưu đãi. Chỉ số EPS được các nhà phân tích sử dụng như một chỉ báo về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
Công thức tính EPS:
Để tính chỉ số EPS cơ bản của một doanh nghiệp, bạn sẽ cần đến bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh để thu nhặt các số liệu cần thiết sau:
- Khối lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.
- Chi trả cổ tức ưu đãi (nếu có).
- Lợi nhuận sau thuế.
Công thức tính EPS cơ bản như sau:
EPS = (Lợi nhuận sau thuế - cổ tức ưu đãi)/ Lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành
Ví dụ:
Khối lượng cổ phiếu được tính bình quân gia quyền theo thời gian cổ phiếu lưu hành trong kỳ như sau:
Ở đây, bạn sẽ thấy khối lượng cổ phiếu bình quân cuối kỳ là 1.257.500 (cp) nhỏ hơn đáng kể với khối lượng cổ phiếu thực tế đang lưu hành là 1.530.000 (cp).
Sở dĩ phải tính theo cách này do lợi nhuận sau thuế là số lũy kế của 4 quý gần nhất.
Do đó để phản ánh chính xác lợi nhuận sinh ra trên mỗi cổ phần thì những thay đổi làm tăng/giảm khối lượng cổ phiếu chưa đủ 1 năm phải được điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp đơn giản hóa việc tính toán, bằng cách sử dụng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành ở thời điểm cuối kỳ.
Sử dụng EPS như thế nào?
- Sử dụng EPS để đánh giá chất lượng tăng trưởng qua các thời kỳ
Để làm được điều này, trước hết bạn cần xác định được tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu.
EPS Growth Rate % = (EPS1 – EPS0)/EPS0
Tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu được sử dụng trong đánh giá thị giá của doanh nghiệp, tỷ lệ này cao thì doanh nghiệp cũng được đánh giá cao và ngược lại.
Tùy vào xu hướng của tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu mà mức tăng trưởng được đánh giá là bền vững, không ổn định, phi mã hay tuột dốc.
Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu ổn định ở mức cao luôn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Ví dụ:
Trên đây là biểu đồ so sánh giữa EPS và tỷ lệ tăng trưởng EPS của CTD (Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons) qua các thời kỳ trong giai đoạn 2013 - 2018.
Bạn sẽ dễ dàng thấy tỷ lệ tăng trưởng EPS của CTD trong giai đoạn 2014 - 2016 là rất cao, trên mức 27%. Trong giai đoạn này giá cổ phiếu CTD có sự tăng trưởng mạnh mẽ do được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Tuy nhiên, Bắt đầu từ năm 2017, EPS đã chững lại và có dấu hiệu suy giảm.
Trong giai đoạn này, thị trường bất động sản Việt Nam bão hòa dẫn đến CTD đã gặp khó trong việc tăng trưởng kết quả kinh doanh. Đồng thời giá cổ phiếu trên thị trường cũng phản ánh rõ sự sụt giảm này.
Nhờ đó, chỉ với những quan sát đơn giản qua tỷ lệ EPS Growth Rate bạn có thể dễ dàng đánh giá xu hướng tăng trưởng của doanh nghiệp ở hiện tại cũng như trong tương lai.
- Sử dụng EPS để xác định chỉ số P/E trong hoạt động định giá
Như đã giới thiệu, EPS là thành phần chính tạo nên chỉ số định giá P/E, E trong P/E được hiểu là EPS.
Bằng cách chia giá một cổ phần của công ty cho EPS của nó, một nhà đầu tư có thể thấy được giá trị của một cổ phiếu qua các kỳ, từ đó biết được thị trường sẵn sàng trả cho cổ phiếu ấy mức định giá là bao nhiêu.
Cụ thể:
Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons đang giao dịch với mức giá 143.400 đồng với EPS lũy kế là 19.260 (đồng/ cổ phiếu).
Do đó, tỷ lệ P/E đối với cổ phiếu CTD là: 143.400 (đồng)/ 19.260 (đồng/cổ phiếu) = 7.58
Điều đó có nghĩa, để có được 1 đồng lợi nhuận từ cổ phiếu nhà đầu tư đang phải trả cho nó 7.58 đồng.
Từ đó bạn có thể so sánh chỉ số P/E qua các thời kỳ hoặc so sánh với P/E của các doanh nghiệp khác trong ngành để đánh giá một cách tương đối cổ phiếu đang đắt hay rẻ.
Chỉ số P/E là gì?
Chỉ số P/E (viết tắt của chỉ số Price to Earning ratio) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS).
Công thức tính chỉ số P/E:
P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (Price)/Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS).
Chỉ số P/E là 1 chỉ số quan trọng được sử dụng trong định giá cổ phiếu.
Ý nghĩa của chỉ số P/E
Chỉ số P/E thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.
Nói cách khác, bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của 1 doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.
Ví dụ: CTCP Thế giới di động (Mã: MWG) hiện có P/E bằng 12,57.
Điều đó nghĩa là… Nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra 12,57 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ MWG.
Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt?
Chỉ số P/E sẽ phát huy tác dụng khi cổ phiếu được xem xét trong hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chỉ số P/E thấp không có nghĩa là công ty đang được định giá “rẻ” và ngược lại chỉ số P/E cao không có nghĩa là công ty đang được định giá đắt.
Chỉ số P/E thấp:
Nhà đầu tư lựa chọn các công ty có chỉ số P/E thấp thường sẽ theo phương pháp đầu tư giá trị, tức là lựa chọn các cổ phiếu được định giá thấp hơn giá trị thật. Đây là những cổ phiếu có mức EPS cao nhưng giá trên thị trường khá thấp khiến chỉ số P/E thấp. Nhà đầu tư kỳ vọng trong tương lai giá cổ phiếu tăng và P/E cũng sẽ tăng.
Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào có chỉ số P/E thấp cũng là cổ phiếu giá trị và đang được định giá thấp. Có những cổ phiếu có P/E thấp do doanh nghiệp có những lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh thuần (bán thanh lý tài sản, bán công ty), đây đều là những lợi nhuận không bền vững. Hoặc cổ phiếu này không còn nhiều khả năng phát triển trong tương lai, nên thị trường chỉ chấp nhận trả một mức P/E thấp.
Chỉ số P/E cao:
Nhà đầu tư lựa chọn các công ty có chỉ số P/E cao thường sẽ theo đuổi phương pháp đầu tư tăng trưởng. Đây thường là những công ty đầu ngành hoặc những công ty có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Việc đầu tư vào công ty có chỉ số P/E cao, nhà đầu tư thường kỳ vọng nhưng công ty này sẽ có mức EPS tương lai tăng trưởng mạnh, sẽ khiến chỉ số P/E trong tương lai giảm về mức giá trị thực.
Tuy nhiên, không phải trường hợp P/E cao nào cũng thể hiện thị trường đang kỳ vọng công ty tăng trưởng tốt trong tương lai. Có thể công ty đang có hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, khiến EPS rất thấp nên chỉ số P/E cao.
Như vậy, rất khó có thể kết luận được chỉ số P/E cao hay thấp là tốt, nhà đầu tư cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác, phân tích về vĩ mô, triển vọng ngành cũng như triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư.
Như vậy, trong bài này, chúng ta đã làm rõ được khái niệm, công thức và phân tích thực tiễn của chỉ số PES, chỉ số P/E. Với những nội dung trên hy vọng bạn có thêm kiến thức để đánh giá thị trường trước khi lựa chọn cho mình một cổ phiếu phù hợp.