Nhiều định kiến cho rằng người làm thuê cả đời cũng chẳng thể giàu có và tự do tài chính vì mãi luẩn quẩn quanh đi làm - nhận lương - trả nợ. Tuy nhiên, nếu trang bị tư duy làm việc cấp tiến cùng phương pháp quản lý tài chính thông minh, người làm thuê hoàn toàn có thể rủng rỉnh về tiền bạc.
Tác giả Robert Kiyosaki từng đề cập đến khái niệm Kim tứ đồ trong cuốn sách Cha giàu cha nghèo. Theo đó, có 4 nhóm công việc trong xã hội, bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc về 1 trong 4 nhóm này.
Một là nhóm làm công ăn lương. Nhóm này chiếm đại đa số, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, luật sư, công nhân viên...
Hai là nhóm tự làm, ví dụ như tự làm bánh bán, tự mở quán cafe, kinh doanh online...
Ba là nhóm làm chủ. Người này tự khởi nghiệp một hoạt động kinh doanh nào đó và thuê người làm cho mình.
Bốn là nhóm nhà đầu tư. Nhóm này dùng tiền làm việc cho họ, tiền đẻ ra tiền, ví dụ như đầu tư bất động sản, chứng khoán,...
Mô hình Kim tứ đồ của tác giả Robert Kiyosaki, ông khẳng định người làm thuê vẫn có thể đạt tới tự do tài chính
Nhiều người mặc định cho rằng người làm thuê cả đời cũng chẳng thể giàu có và tự do tài chính! Họ bị rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của việc đi làm - nhận lương - trả nợ cho những tiêu sản (tài sản không sinh lời). Tuy nhiên, phần đông người Việt Nam lại đang làm công, làm thuê, làm công chức...
Theo chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh, người làm thuê khó có thể giàu to như những doanh nhân và nhà đầu tư thành công nhưng không có nghĩa là không có cách. Đặc biệt, rủi ro mất tài sản của người làm thuê chuyên nghiệp ở mức thấp nhất trong Kim tứ đồ.
Bí quyết để người làm thuê luôn rủng rỉnh về tiền bạc và hướng đến tự do tài chính nằm ở những điều sau đây.
Chuyên gia cho rằng người làm thuê thường có 3 kiểu thái độ làm việc: Làm việc uể oải để cầm chừng giữ việc; Làm đúng với số lương được trả; Làm một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Người có kiểu thái độ thứ 3 sẽ là những người làm thuê thành công nhất trong sự nghiệp và tài chính. Họ làm thuê với tinh thần làm chủ, đặt mình trong vị trí của chủ doanh nghiệp.
Ví dụ, làm sếp thường gặp tình trạng "cô đơn ở đỉnh cao", đặc biệt nếu có khủng hoảng. Khi nhân viên đã về hết, chỉ còn bạn ở lại miệt mài làm việc nhằm đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Sếp sẽ dần dần nhìn ra điều đó và cơ hội công việc ắt sẽ rộng mở với bạn.
Sự nghiệp của mỗi người nên có những đường zích zắc. Tiền lương sẽ tăng theo chu kỳ nhưng lạm phát lại luôn lăm le ăn mòn hết số đó. Người làm thuê khôn ngoan sẽ tạo ra cú huých tăng lương mỗi 3 - 5 năm. Đó có thể là lên chức hoặc đảm nhận thêm nhiều vị trí khác.
Tuy nhiên cần lưu ý về việc thay đổi công ty. Nếu một người nhảy việc dưới 2 năm/công ty thì sẽ bị "đánh dấu đỏ". Người năng động khao khát trải nghiệm sẽ khôn khéo với kế hoạch đổi việc dài hơi hơn.
Muốn tự do tài chính, bạn cần có tinh thần và tham vọng thăng tiến trong công việc
Chuyên gia tài chính thông minh khuyên mỗi người nên có hai nguồn thu nhập là chủ động và bị động. Nếu một nguồn bị "tắc nghẽn" thì nguồn khác sẽ nhanh chóng lấp bù. Điều này minh chứng rõ nhất trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người mất việc đã lập tức rơi vào cảnh trắng tay và phải bỏ phố về quê.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một người hoàn toàn có khả năng "kiêm" nhiều vị trí trong Kim tứ đồ. Người làm thuê có thể trở thành một nhà đầu tư nghiệp dư, kiếm lời từ chứng khoán hay bất động sản. Họ cũng có thể làm tự do, nhận thêm việc bên ngoài để làm hoặc tự mở kinh doanh.
Trên đây là những gợi ý vô cùng thực thế về các bước đạt tự do tài chính. Thời đại này, người trẻ chúng ta cần lập kế hoạch tài chính cho mình, đừng mãi trông chờ vào sự “ổn định” hay thấy khó là kêu than, có như vậy, bạn mới đạt được độc lập tài chính từ sớm. Chúc bạn thành công!