1. Forex là gì?
Forex, viết tắt của từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ (ngoại hối). Khi bạn đổi từ đồng tiền của quốc gia này sang tiền quốc gia khác, đó là forex.
Ví dụ: Bạn sắp đi Mỹ, ở Mỹ không tiêu tiền Việt Nam Đồng, nên bạn ra quầy đổi tiền hoặc ngân hàng (được cấp phép). Bạn đổi 23.500.000đ lấy 1000 Đô la Mỹ, đó là bạn đã tham gia trao đổi ngoại hối.
2. Những ai tham gia thị trường Forex?
Rất nhiều tổ chức và cá nhân cần trao đổi tiền tệ. Dưới đây là vài cái tên chủ yếu:
- Chính phủ: Khi nhận tiền vay từ nước ngoài, nó là ngoại tệ, cần quy đổi sang nội tệ để chi tiêu. Mai kia thu thuế vào, lại phải đổi sang ngoại tệ để trả nợ.
- Ngân hàng: Cần ngoại tệ để đổi cho khách hàng và chuyển tiền quốc tế.
- Doanh nghiệp: Khi mua nguyên liệu tại nước bạn, cần ngoại tệ để chi trả. Lúc xuất khẩu hàng thu ngoại tệ về, cần đổi sang nội tệ để nhập quỹ, trả lương...
- Cá nhân: Phục vụ mua sắm, đi du lịch, đi học ở nước khác...
Ngoài ra mấy ông nói trên còn tích trữ các ngoại tệ mạnh để tránh lạm phát, hoặc phân bổ quỹ ra các loại tiền khác nhau để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn trước biến động tỷ giá. Nói chung cứ cái gì dính dáng đến sự giao thương quốc tế thì không tránh khỏi phải trao đổi tiền tệ.
3. Vì sao tỷ giá forex biến đổi?
Cũng như cổ phiếu, vàng, bitcoin... tỷ giá forex biến đổi theo cung cầu. Đồng tiền nước nào mạnh, kinh tế phát triển, nhiều người muốn sở hữu, tích trữ thì tỷ giá tăng. Ông nào in ra nhiều, lạm phát cao, tiền mất giá thì tỷ giá giảm.
Tất nhiên nhiều chính phủ tìm cách can thiệp vào sự biến đổi tỷ giá, bằng cách quy định tỷ giá cố định trong cả nước (Việt Nam chẳng hạn). Nhưng điều đó chỉ nhằm tránh sự lộn xộn chứ bản chất tỷ giá vẫn sẽ theo cung cầu. Các bạn cứ hình dung giờ tự nhiên Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá 1 USD = 10 VNĐ thì sao? Có ma nó thèm trao đổi tiền tệ với VN nữa đúng không nào?
4. Tỷ giá forex được biểu diễn thế nào?
Đơn giản lắm, nó trông thế này: EURUSD = 1.1134 hoặc USDCHF = 0.9492
Trong đó 3 ký tự đầu là là một loại tiền tệ, 3 ký tự sau là một loại khác, ghép thành một cặp, phía sau là tỷ giá.
Khi nó EURUSD = 1.11 nghĩa là 1 đồng Euro đổi được 1.11 đồng Đô la Mỹ.
5. Một số ký hiệu tiền tệ phổ biến?
EUR - Euro của Liên minh Châu Âu
USD - Không biết thì tôi chịu
GBP - Bảng Anh
JPY - Yên Nhật
CHF - Franc Thụy Sĩ
AUD - Đô la Úc
CAD - Đô la Canada
RUB - Rouble của Nga
ZAR - Rand của Nam Phi
...
6. Tại sao tiền tệ luôn đi thành cặp?
Bình thường đi siêu thị mua hàng, các bạn mua bằng gì? Ờ thì bằng tiền đúng không.
Vậy nếu giờ đi mua tiền thì mua bằng gì?
...
Câu trả lời rất đơn giản: mua bằng một loại tiền khác. Đã là trao đổi ngoại hối thì luôn phải có sự tham gia của 2 loại tiền tệ, thế mới đổi được từ loại A sang loại B.
Vì thế nên tỷ giá forex luôn phải đi theo cặp. Thật ngớ ngẩn khi chỉ hỏi hôm nay Euro có giá bao nhiêu?
Thay vào đó, phải hỏi Euro có giá bằng bao nhiêu USD, hay bằng bao nhiêu VNĐ.. như vậy mới là câu hỏi đúng.
7. Làm sao người ta kiếm tiền từ forex?
Vì tỷ giá của nó lên xuống. Hễ cái gì có biến đổi lên xuống thì người ta đều nghĩ cách giao dịch nó để kiếm lời. Ví dụ hôm nay bạn đổi 23 triệu lấy 1000 đô, một thời gian sau tỷ giá đô lên, bạn đổi ngược lại từ 1000 đô thành 24 triệu, vậy trên lý thuyết bạn có lời 1 triệu VNĐ rồi.
Trên thực tế nếu thực hiện việc mua bán này ở các quầy đổi tiền thì phí khá lớn và lời lãi chẳng đáng kể, lại bất tiện. Vì thế có rất nhiều công ty môi giới (broker) cung cấp dịch vụ trade forex online, có hỗ trợ nhiều công cụ tiện lợi như phí cực thấp, đòn bẩy cao. Nhưng bạn đừng ham, vì sao tôi sẽ giải thích sau.
8. Giao dịch forex có hợp pháp không?
Nếu bạn đổi tiền tại đúng nơi được cấp phép, với đúng số lượng quy định thì điều đó là hợp pháp. Đổi tiền không đúng nơi quy định là phạm pháp.
Còn việc chơi forex thông qua các nhà môi giới quốc tế như hiện tại, nước ta chưa có luật điều chỉnh.
Bản chất của việc trader forex là giao dịch tỷ giá forex mà thôi, chứ không phải là mua bán ngoại tệ thực sự. Ví dụ khi mua Euro trên đó, bạn có lời khi nó tăng, lỗ khi nó giảm, nhưng sau đó kiểu gì cũng phải đóng lệnh để chốt lời lỗ chứ không bao giờ rút được số Euro trong lệnh đó về.
Tuy nhiên, khi chưa có luật điều chỉnh nghĩa là nó cũng chưa được hợp thức hóa, bạn muốn chơi thì phải chấp nhận mọi rủi ro chứ nhà nước Việt Nam không bảo vệ quyền lợi cho bạn được.
9. Có nên chơi forex không?
Câu này tôi chỉ có thể khuyên bạn bằng ý kiến cá nhân, đó là KHÔNG. Trong ngành forex tôi cũng có thể coi là có kinh nghiệm, nhưng tôi khuyên bạn KHÔNG nên chơi. Có mấy nguyên nhân chính sau:
- Forex là một game có tổng bằng không (Zero sum). Thêm vào khoản phí bạn phải trả cho broker, nó là trò chơi tổng âm. Đã là trò có tổng âm thì trên lý thuyết tất cả người chơi đều thua dần, và bạn càng chơi lâu thì xác suất đó càng lộ rõ trên thực tế. Bạn không thể kiếm tiền lâu dài nhờ forex.
- Có nhiều thị trường tổng dương mà bạn có thể chơi như cổ phiếu, chỉ số, tiền điện tử.. Thì không lý gì phải lao vào forex.
- Forex trading thường sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao. Vì sao thế? Tỷ giá tiền tệ biến đổi hàng ngày rất ít, và toàn ở mấy chữ số sau dấu thập phân. Do đó nếu ko dùng đòn bẩy chắc phải chơi vài năm bạn mới lãi được cái bỉm (loại rẻ ^^). Đòn bẩy có thể phóng đại lời lỗ đó lên vài trăm, hoặc hàng nghìn lần nên rủi ro của nó rất cao. Rất nhiều người đã mất sạch tiền vì đòn bẩy trong forex lớn và dễ dùng quá.
- Lĩnh vực forex ở Việt Nam tuy đã có lâu năm, nhưng vì là underground nên khá hắc ám. Hết 95% những gì bạn nghe quảng cáo hoặc người ta nói với bạn đều là chém gió và lừa đảo.
- Các môi giới ngành forex (IB) được trả hoa hồng cao, vì thế họ thường tìm mọi cách khuyến khích bạn chơi thật nhiều, họ hay vẽ cho bạn những miếng mồi ngon như tín hiệu, phương pháp, robot...cảm giác làm giàu không khó. Cuối cùng bạn cháy tài khoản, họ giàu lên nhờ một đống tiền hoa hồng. Vắt xong, họ bỏ bạn tìm gà mới để "lùa".
- Nguyên nhân cuối: Nếu một người có kinh nghiệm trong một ngành nào rồi mà lại khuyên bạn đừng tham gia, điều đó có nghĩa là bạn nên cân nhắc thật kỹ
(Mục 9 này là ý kiến cá nhân, nếu không đúng hoặc đụng chạm ai, xin được bỏ quá cho)
_____________
© Chu Ngọc Cường | Tập đoàn Kinh tế học giản đơn