Quảng cáo
Biti's: Cách

Bộ não của CEO Loship đã xây dựng Kỳ lân tiếp theo của Việt Nam như thế nào?

Thương hiệu Cập nhật 01 tháng 04

Nguyễn Hoàng Trung được biết đến là một doanh nhân và giám đốc điều hành của Lozi, một startup công nghệ cung cấp dịch vụ giao hàng thương mại điện tử trong một giờ có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, với Ứng dụng chủ đạo là Loship.

Là CEO, Trung chịu trách nhiệm điều hành tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp bao gồm marketing, đầu tư, quản lý công nghệ, phát triển sản phẩm, và nhiều hơn thế. Dưới sự lãnh đạo có tầm nhìn của CEO Hoàng Trung, giá trị của Loship đã gia tăng đáng kể lên 8 chữ số, ra mắt hơn 10 dịch vụ giao vận tại bốn thành phố lớn trên khắp Việt Nam, cùng với lượng giao dịch mỗi ngày gia tăng nhanh chóng từ 3.000 lên 70.000, tất cả chỉ diễn ra trong thời gian 18 tháng.

Với kinh nghiệm dồi dào, sự thông minh và tinh thần bản lĩnh của mình, Trung đã kết nối và xây dựng tốt các mối quan hệ với nhiều nhà đầu tư và đối tác ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Theo thống kế, đến nay Công ty Lozi với sự phát triển của ứng dụng Loship, đã nhận được nguồn vốn đầu tư từ nhiều quỹ danh tiếng thế giới như Vietnam Silicon Valley, Golden Gate Venture, DT&Investment, SmileGate Investment, và Hana Financial Group.

Năm 2017, Trung được đề cử trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam, sau đó tiếp tục được vinh danh tại 30 Under 30 của Forbes châu Á. 

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với AsiaTechDaily, CEO Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ: 

“Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp là hãy làm việc không ngừng nghỉ. Một khi bạn đã chọn khởi nghiệp làm lý tưởng sống của mình, bạn sẽ không thể sống một cuộc sống thường nhật như bao người. Bạn phải làm việc 24/7 mà không có thời gian nghỉ ngơi để đưa doanh nghiệp của mình vượt lên. Ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực, bạn cũng không thể cho phép mình được thong thả. Sự thật phũ phàng là khi bạn tạm dừng lại, dù chỉ một lúc, bạn sẽ đánh mất những tiến bộ mà bạn đã gây dựng được trong thời gian chiến đấu trước đó, vì các đối thủ của bạn vẫn đang tiến về phía trước. 

Hơn thế, tôi muốn nói là đừng sợ thất bại và lo lắng nếu mọi việc diễn ra không như kỳ vọng. Không phải mọi thứ bạn làm đều sẽ đi đúng hướng ngay lập tức. Mặc dù sẽ đau mỗi lần té ngã, nhưng qua đó bạn lại học thêm được kinh nghiệm và đó cũng chính là bài học bạn có thể áp dụng cho những lần thử thách tiếp theo. Thành công không bao giờ là hiển nhiên, thành công được xây dựng từ chính những thất bại.”

Hãy đọc tiếp cuộc trò chuyện sau để hiểu sâu hơn về hành trình đến thành công của Nhà điều hành Nguyễn Hoàng Trung.


 

Chào Trung, bạn hãy chia sẻ một chút về bản thân cũng như những gì bạn đang làm?

Nguyễn Hoàng Trung: Tôi là Nguyễn Hoàng Trung, là Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Lozi. Lozi là một công ty khởi nghiệp công nghệ có tốc độ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, chúng tôi đang tập trung vào ứng dụng Loship - cung cấp dịch vụ giao hàng thương mại điện tử trong 1 giờ. 

Tôi từng học về khoa học máy tính tại Viện Khoa học và Công nghệ hàng đầu Hàn Quốc KAIST. Tôi từng tham gia vào dự án phát triển công nghệ Đám mây của Microsoft ở thời kỳ đầu, trước khi tôi thành lập Lozi vào năm 2014. Cho đến hiện tại, Lozi chúng tôi đang tập trung tăng tốc và mở rộng quy mô của sản phẩm Loship, với mục tiêu là mang đến sự tiện ích tối đa trong dịch vụ giao nhận ngay lập tức cho càng nhiều người nhất có thể. 

Điều gì đã khích lệ bạn khởi nghiệp?

Nguyễn Hoàng Trung: Tất cả khởi nguồn từ suy nghĩ phải làm điều gì đó khác biệt. Khi những người bạn của tôi bắt đầu tìm kiếm cho mình một sự nghiệp ổn định sau khi tốt nghiệp như một lẽ tự nhiên, thì tôi lại không cảm thấy thoải mái và hài lòng để đi theo con đường như vậy. 

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về ý định khởi nghiệp. Và trong một dịp trò chuyện với một người bạn về dự định này, chúng tôi đã tìm thấy tiếng nói chung. Chúng tôi bắt đầu với ý tưởng tạo ra một trang mạng đánh giá ẩm thực của Việt Nam, nơi giúp mọi người dễ dàng tìm thấy các địa điểm ăn uống trực tuyến. Vào thời điểm đó, mô hình như Yelp chưa có mặt ở Việt Nam, và đây cũng chính là cơ hội chúng tôi thấy mình có thể tận dụng để phát triển. Qua năm tháng, chúng tôi vừa làm vừa nhận ra nhiều vấn đề song song với những cơ hội. Từ đó, chúng tôi từng bước cho ra đời thêm những dịch vụ khác bên cạnh ý tưởng ban đầu, như việc phát triển thành trang thương mại điện tử, rồi ra mắt mô hình giao hàng trong 1 giờ Loship. 

Sản phẩm chính hiện tại của bạn là gì? Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về câu chuyện từ khi bắt đầu đến lúc hoàn thiện sản phẩm như hiện tại?

Nguyễn Hoàng Trung: Sản phẩm hiện tại của chúng tôi là Loship, ứng dụng giao hàng thương mại điện tử trong một giờ tại Việt Nam. 

Một điều thú vị là, chúng tôi bắt đầu với Lozi, một trang đánh giá ẩm thực và nhà hàng trực tuyến, và từ đó mở rộng thành một nền tảng thương mại điện tử kết nối người mua và người bán, giúp mọi người có thể đăng bán và trao đổi các loại sản phẩm khác nhau. Suốt quãng thời gian ấy, chúng tôi nhận thấy vấn đề là: chúng tôi không biết được liệu các giao dịch giữa người mua và người bán có được thật sự hoàn thành trên nền tảng của chúng tôi hay không. Hơn thế, chúng tôi cũng không biết liệu có chuyện gì diễn ra trong quá trình giao vận không. Chúng tôi nhận ra rằng: đảm bảo trải nghiệm xuyên suốt cho khách hàng, từ khâu đặt hàng đến thanh toán và nhận hàng là điều vô cùng cần thiết. Ngay lúc đó, chúng tôi lên kế hoạch xây dựng một hệ thống giao hàng cho riêng mình, trực tiếp xử lý tất cả giao dịch từ khi khách đặt mua đến lúc nhận hàng thông qua đội ngũ tài xế riêng.

Bắt đầu từ giao đồ ăn, chúng tôi nhanh chóng mở rộng sang các loại hình dịch vụ khác bao gồm giao đồ siêu thị (đi chợ giùm), gọi xe, dịch vụ giặt ủi (mang đồ đi giặt và trả về cho bạn), mua và giao thuốc, chuyển phát nhanh, giao hoa và thậm chí giao đồ dùng thú cưng. Cho đến nay, Loship đã có được chỗ đứng đặc biệt tại thị trường Việt Nam với mạng lưới hơn 50.000 tài xế, 190,000 chủ cửa hàng, và  phục vụ gần 1.500.000 khách hàng trên cả nước.

Có thể nói, trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp, bạn phải luôn sẵn sàng cho sự thay đổi để nhanh chóng và kịp thời thích nghi với nhu cầu thị trường. Bạn bắt đầu với một mô hình, một ý tưởng nào đó, nhưng không có nghĩa là mọi thứ sẽ đi theo một con đường thẳng từ đầu đến cuối. Hãy quan sát thị trường và thực hiện các bước chuyển hướng nếu đó là điều đúng đắn. Làm mọi thứ nhanh nhất có thể và thay đổi khi cần thiết; đây chính là công thức của tôi để thành công. 

Cho đến nay, bạn đã huy động được bao nhiêu vốn đầu tư? Vòng vốn gần nhất là khi nào?

Nguyễn Hoàng Trung: Chúng tôi vừa công bố vòng vốn đầu tư mới do Quỹ đầu tư Hàn Quốc Smilegate Investment dẫn dắt. Chúng tôi đang thực hiện vòng Series C tiếp theo, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia vào hành trình cùng chúng tôi. Trước đó, chúng tôi đã tiếp nhận đầu tư từ các quỹ uy tín bao gồm Vietnam Silicon Valley, Golden Gate Venture, DT&Investment, and Hana Financial Group.

Làm thế nào bạn thu hút người dùng và phát triển công ty từ những ngày đầu? Và chiến lược marketing nào bạn đã sử dụng để phát triển doanh nghiệp?

Nguyễn Hoàng Trung: Thú thực, chiến lược marketing không phải là “viên đạn bạc” giúp chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc chơi. Tại Loship, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc phát triển toàn diện và lâu dài (Growth), một hướng tiếp cận khách hàng khác với marketing thông thường. Marketing nói chung, thường tập trung vào hai bước đầu trong hành trình trải nghiệm của khách hàng: nhận thức về thương hiệu và trải nghiệm (sử dụng sản phẩm/dịch vụ). Mặt khác ở Loship, chúng tôi đưa ra các chiến lược dựa theo khái niệm Growth - một bức tranh rộng lớn hơn về hành trình trải nghiệm khách hàng qua bốn bước: nhận thức (awareness), sử dụng (acquisition), gắn bó (retention) và giới thiệu (referral). Bên cạnh đó, để thu hút người dùng và phát triển công ty một cách bền vững, chúng tôi tập trung xây dựng, củng cố nền tảng cho bộ phận chịu trách nhiệm phát triển là Growth Team; nền tảng đó xoay quanh bốn thành tố: Chiến thuật, Nhân sự, Văn hóa & Ưu tiên. Growth Team được dẫn dắt trực tiếp bởi CEO là tôi, với nhiệm vụ mang tính quyết định tiên quyết cho mọi hoạt động: Mỗi người Việt Nam đều phải sử dụng Loship.

Để tôi làm rõ hơn sơ lược những ý trên, bắt đầu với “Chiến thuật”. Chúng tôi là một công ty khởi nghiệp của Việt Nam nên không có tiềm lực tài chính dồi dào so với các đối thủ khác trong khu vực. Do đó, các chiến thuật tiếp thị truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên truyền hình hoặc sử dụng nghệ sĩ/KOL (người có sức ảnh hưởng) không phải là mục tiêu của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều chiến thuật khác nhau một cách sáng tạo nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Tự hào mà nói, chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên ở Đông Nam Á làm được điều này: đưa ra các chiến lược quảng cáo có chi phí tối ưu nhất nhưng mang lại hiệu quả đáng kể nhất.

Tôi sẽ không nói quá nhiều về cách Growth Team chúng tôi làm tăng trưởng, nhưng ở đây tôi sẽ chia sẻ một chiến lược nhỏ mà chúng tôi từng thực hiện. Loship đã phát triển 10 dịch vụ tính đến thời điểm hiện tại, một trong số đó là dịch vụ Lo-send giúp chuyển tài liệu và bưu kiện ngay khi bạn có nhu cầu gửi và người nhận sẽ nhận được ngay trong tối đa 60 phút. Losend đã cung cấp giải pháp hiệu quả cho nhu cầu giao đồ của các chủ cửa hàng vừa và nhỏ ở Việt Nam (chủ shop), với mức giá tối ưu nhất mà mọi người dễ dàng chi trả (chúng tôi cũng không phải chịu lỗ). Nhờ đó, chúng tôi thu hút được nhiều chủ shop sử dụng dịch vụ của chúng tôi giao hàng cho người mua hàng của họ. Khi những người mua hàng này chưa phải là khách hàng của chúng tôi, họ sẽ nhận được tin nhắn điện thoại với nội dung tải ứng dụng Loship sau khi tài xế đã giao món hàng đến họ. Vì họ đã trải nghiệm việc nhận đồ từ dịch vụ của chúng tôi rồi, nên ngay cả khi chưa biết về thương hiệu thì họ vẫn sẵn sàng tải ứng dụng và trở thành người dùng của chúng tôi. Vì vậy, dịch vụ giao hàng nhanh này được xem là một trong các chiến lược gia tăng khách hàng mới của chúng tôi. 

Còn về Nhân sự, Văn hóa & Ưu tiên, đều là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công ty. Tôi là người trực tiếp tuyển dụng, phỏng vấn và lựa chọn những nhân sự vào Growth Team của mình. Tôi đã phỏng vấn rất nhiều nhưng chỉ chọn một vài người, và họ phải rất khác biệt với những người còn lại trong đội. Tất cả những thành viên team Growth của Loship đều thông minh, có khát vọng và khiêm tốn. Họ đều can đảm chấp nhận rủi ro, bản lĩnh trước mọi khó khăn, và hơn hết là sức chịu đựng cao khi phải đối mặt với những điều không dễ chịu khi công ty liên tục bị so sánh với các đối thủ khổng lồ khác. Những tố chất này cũng xây dựng nên một nền văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời, làm cho một công ty khởi nghiệp trở nên độc đáo hơn. Tôi tự hào mô tả ngắn gọn văn hóa của chúng tôi là: Không sợ hãi nhưng khiêm tốn; Nhìn thẳng vào vấn đề và hoàn thành công việc; Đặt khách hàng lên hàng đầu và chinh phục họ. Đó là cách chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc chơi.

Khi bạn đã xây dựng được văn hóa phù hợp cho đội ngũ của mình, các thành viên của bạn sẽ biết việc luôn được ưu tiên tại bất kỳ thời điểm nào, đối với chúng tôi ưu tiên là “Vấn đề về khách hàng.”

Đâu là công cụ marketing tốt nhất cho sự phát triển khởi nghiệp của bạn, và tại sao?

Nguyễn Hoàng Trung: Với rất nhiều công cụ tiếp thị ngoài kia, mọi người sẽ dễ dàng bị choáng ngợp khi lựa chọn công cụ phù hợp nào nên có trong “kho vũ khí” của mình. Tuy nhiên, theo tôi, truyền miệng hay tiếp thị giới thiệu (word of mouth or customer referrals) là một trong những phương pháp marketing mạnh mẽ nhất. Bạn không thể kinh doanh mà không có khách hàng. Và một khách hàng hài lòng và trở nên trung thành với thương hiệu của bạn sẽ giúp bạn có thêm thật nhiều khách hàng mới. Đơn giản là như vậy.

Sẽ khó để hiểu chính xác những gì chúng tôi làm trong các chiến lược giới thiệu khách hàng của chúng tôi. Nói một cách đơn giản, chúng tôi đặt khách hàng lên hàng đầu, luôn quan tâm đến họ và chúng tôi để họ tự nói về Loship. Chúng tôi hỏi thăm họ cụ thể về trải nghiệm đơn hàng cũng như liệu các dịch vụ của chúng tôi có đáp ứng mong đợi và nhu cầu của họ hay không. Nếu chúng tôi giao hàng trễ, chúng tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ chi phí đơn hàng cho họ. Nếu khách hàng than phiền về chất lượng dịch vụ chưa ưng ý, họ cũng sẽ được hoàn tiền.

Điều này giúp chúng tôi thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với khách hàng và có được những lời truyền miệng tích cực. Nếu bạn có thể làm những điều này trên diện rộng, nó sẽ trở thành một vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chinh phục khách hàng. Khi bạn cung cấp giá trị đúng với mong đợi của khách hàng, họ sẽ trân trọng và đặt niềm tin vào thương hiệu của bạn. Và chính những vị khách hài lòng về dịch vụ của bạn sẽ sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè và người thân. 

Tóm lại, “công cụ” là thiên về các chiến thuật marketing ngắn hạn, trong khi “tập trung vào khách hàng” luôn là chiến lược chiến thắng trong dài hạn.

Theo bạn, điều hầu hết các công ty khởi nghiệp thường nhận định sai về tiếp thị nói chung?

Nguyễn Hoàng Trung: Các startup thường hiểu sai về marketing qua việc tiêu hao quá nhiều kinh phí vào các chiến dịch và hoạt động quảng cáo nhằm đánh bóng cho thương hiệu của mình và thu hút khách hàng. Đúng ra, làm marketing, việc đầu tiên bạn cần làm là hiểu đúng về sản phẩm của mình, về cách vận hành của sản phẩm, và làm thế nào để sản phẩm có thể mang đến lợi ích cho người dùng cũng như giải quyết vấn đề của họ. Nếu sản phẩm/ dịch vụ của bạn không thể giải quyết vấn đề của khách hàng, thì họ cũng không chọn sử dụng bạn dù bạn tốn kém bao nhiêu tiền để quảng cáo. Hãy sử dụng ngân sách thông minh, không mù quáng. 

Bên cạnh đó, khi nói về marketing, một số startup có xu hướng dùng những thuật ngữ vĩ mô hay những từ hào nhoáng để thu hút càng nhiều khách hàng càng tốt trong thời gian ngắn - những suy nghĩ ngắn hạn như thế này có thể “giết chết” startup của bạn. Đừng cố gắng dẫn dắt khách hàng bằng cách tự “thổi phồng” giá trị của bạn hơn cái bạn có thể đáp ứng. Nếu bạn ba hoa về sản phẩm của mình nhưng lại cung cấp tệ hơn quảng cáo, khách hàng sẽ sớm mất niềm tin và sự trân trọng cho thương hiệu của bạn. 

Các quy trình quyết định nội bộ nào giúp bạn xác định thời điểm nào nên bắt đầu vòng vốn tiếp theo, và logic đằng sau quy trình này là gì? Và bạn đã gặp bao nhiêu nhà đầu tư cho đến nay, và gặp như thế nào, qua những phương tiện kết nối nào?

Nguyễn Hoàng Trung: Chúng tôi luôn trong trạng thái gia tăng nguồn tài chính liên tục và không bao giờ được phép nghỉ ngơi trên hành trình gọi vốn. Mục tiêu của một startup là không duy trì mãi trong giai đoạn khởi nghiệp. Chúng tôi cần một nguồn vốn đủ lớn để đạt được tham vọng và mục tiêu phát triển quy mô trên diện rộng. 

Chúng tôi bắt đầu gọi vốn từ năm 2015 và luôn tận dụng mọi cơ hội để kết nối với càng nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm càng tốt. Cho đến nay, chúng tôi đã gặp và thảo luận với hơn 100 nhà đầu tư tại Việt Nam và khu vực, mà 90% trong số đó đã từ chối chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không coi hành trình gọi vốn là mệt mỏi và căng thẳng, mà đó là một hành trình dài thú vị mà mọi doanh nhân thành công đều sẽ trải qua bằng cách này hay cách khác. Việc gọi vốn sẽ không bao giờ giống như kịch bản trên chương trình truyền hình Shark Tank: bạn đi vào một căn phòng, trình bày mô hình kinh doanh trong một khoảng thời gian ngắn, rồi nhận được tiền đầu tư hoặc là ra về tay trắng. Gọi vốn là hành trình với rất nhiều cuộc họp và đàm phán với nhà đầu tư trước khi nhận được quyết định cuối cùng. Tôi thừa nhận tôi đã phạm nhiều sai lầm trong quá trình gọi vốn, nhưng tôi cũng đã đúc kết cho bản thân mình nhiều bài học đáng giá. 

Tôi tin rằng xây dựng quan hệ với nhà đầu tư là điều tối quan trọng trong gọi vốn. Nếu quan hệ đủ tốt, các nhà đầu tư cũ rất có thể sẽ giới thiệu cho bạn những nhà đầu tư mới, và điều này mang lại hiệu quả cao hơn gấp bội so với việc bạn tự thân vận động tìm kiếm nhà đầu tư. Điển hình trong trường hợp của tôi, tôi có cơ hội gặp gỡ Quỹ đầu tư Smilegate Investment nhờ vào sự giới thiệu của Vietnam Silicon Valley, một trong những nhà đầu tư thiên thần của chúng tôi vào năm 2015. Rất thú vị, tôi và đại diện Quỹ Smilegate Investment ăn trưa cùng nhau và gầy dựng quan hệ một cách chậm rãi với những câu chuyện sâu xa hơn là tập trung thuyết phục họ đưa tôi tiền. Vài tháng trao đổi, họ đã đầu tư vào chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong chiến lược kinh doanh và gọi vốn như những người bạn. Điều này chứng tỏ, huy động vốn là chặng đường xây dựng, duy trì và nuôi dưỡng mối quan hệ với những người bạn gặp, vì bạn không bao giờ biết được giá trị mà các mối quan hệ có thể mang lại. 

Những thách thức và trở ngại lớn nhất mà bạn đã gặp phải trong quá trình huy động vốn là gì? Nếu bạn phải bắt đầu lại, bạn sẽ làm gì khác đi? (Nhận định hay lời khuyên của bạn về điều này sẽ rất hữu ích cho người khởi nghiệp)

Nguyễn Hoàng Trung: Một trong những thách thức lớn nhất trong gọi vốn chính là làm thế nào để chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng: ý tưởng kinh doanh của chúng tôi sẽ hoạt động hiệu quả, chúng tôi có một mô hình sinh lợi nhuận, có thể mở rộng phát triển và nhà đầu tư sẽ thu về lợi nhuận sau này.

Nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ nói với bản thân mình là hãy can đảm hơn để đối mặt với sự nghi ngờ và từ chối. Hãy đủ mạnh mẽ để nói về những thách thức và giới hạn của chính bạn một cách cởi mở. Hãy tự tin nói với các nhà đầu tư rằng “Chúng tôi có tầm nhìn, có đội ngũ mạnh và chúng tôi có triển vọng phát triển trong thị trường. Tất nhiên, chúng tôi cũng có những rủi ro và điểm chưa tốt, như mọi doanh nghiệp khác.” Hãy nhớ rằng, sau hàng trăm lần bị khước từ, có thể chỉ cần một lời đồng ý từ một nhà đầu tư, bạn sẽ vẫn tồn tại và tiếp tục cuộc hành trình. Vì vậy, đừng nản lòng khi nghe từ chối.

Các cột mốc bạn đặt ra cho vòng tiếp theo là gì? Và mục tiêu của bạn cho tương lai?

Nguyễn Hoàng Trung: Chúng tôi đặt mục tiêu tăng gấp ba lượng giao dịch trong vòng 12 tháng tới với con số phải đạt là 150.000 giao dịch mỗi ngày, nâng cao doanh thu lên 31 triệu đô la Mỹ vào năm 2020. Song song đó, chúng tôi luôn tìm kiếm các khoản đầu tư tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng toàn cầu. Chúng tôi hiện đang chốt các vòng vốn Series C, dự kiến ​​hoàn thành tiếp nhận vốn vào nửa đầu quý 2 năm 2020.

Làm thế nào để bạn có kế hoạch mở rộng trên toàn cầu?

Nguyễn Hoàng Trung: Hiện tại, chúng tôi sử dụng các chiến lược địa phương hóa được đúc kết từ những đặc tính thị trường (market insight) để tập trung phát triển trong nội địa. Tất nhiên, mở rộng khu vực là một phần trong kế hoạch tăng trưởng dài hạn của chúng tôi, trong đó Lào và Campuchia là thị trường phải giành chiến thắng (must-win market). Một khi chúng tôi đã có đủ về mặt nghiên cứu và nguồn lực, chúng tôi sẽ sẵn sàng bắt đầu mục tiêu chinh phục thị trường 400 triệu dân của mình. 

Những sai lầm phổ biến nhất mà các công ty mắc phải với tiếp thị toàn cầu là gì?

Nguyễn Hoàng Trung: Tôi nghĩ sai lầm phổ thông chính là không đầu tư đủ vào nghiên cứu thị trường mục tiêu. Khi nói đến marketing và mở rộng toàn cầu, chúng ta phải thật sự thấu hiểu nhu cầu thị trường, xu hướng của ngành, môi trường cạnh tranh và sở thích cũng như thói quen của khách hàng để chúng ta có thể tạo ra các biến thể sản phẩm phù hợp với thị trường đó. Bạn biết đấy, một quy chuẩn mô hình kinh doanh áp dụng với tất cả thị trường sẽ không bao giờ hoạt động tốt.

Những sai lầm phổ biến nhất mà người sáng lập mắc phải khi họ bắt đầu một công ty là gì? (hoặc tất cả những người sáng lập startup lần đầu nên biết gì trước khi bắt đầu kinh doanh?)

Nguyễn Hoàng Trung: Khi mới bắt đầu kinh doanh, phần lớn các nhà sáng lập thường tập trung vào sản phẩm, và nghĩ rằng khách hàng phù hợp sẽ tự nhiên đến. Tuy nhiên, tôi tin rằng các công ty khởi nghiệp nên làm ngược lại, hãy cố gắng hiểu khách hàng của bạn trước và sau đó tạo ra một sản phẩm giải quyết vấn đề của họ.

Ngoài ra, một số người sẽ nghĩ xây dựng công ty để làm giàu, và đây là cũng là suy nghĩ sai căn bản về khởi nghiệp. Khi bạn xem tiền là mục tiêu cuối cùng, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng rằng mình đã có đủ tiền. Thay vào đó, hãy tìm cho mình một mục tiêu sâu sắc hơn tiền bạc vật chất đơn thuần, để có thêm động lực phấn đấu mỗi ngày. Có lợi nhuận là điều quan trọng, nhưng đừng xem tiền là mục tiêu cuối cùng. Kinh doanh không phải là một khái niệm làm giàu nhanh chóng.

Lời khuyên nào tốt nhất mà bạn đã từng nghe? Và bạn có lời khuyên nào cho những người muốn khởi nghiệp hay theo đuổi con đường giống bạn?

Nguyễn Hoàng Trung: Tôi muốn nói rằng: tốc độ quan trọng hơn sự hoàn hảo. Là một người khởi nghiệp, bạn không nên tập trung vào sự hoàn hảo. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm có thể sử dụng được, mang nó đến cho khách hàng và sau đó tiếp tục cải thiện dựa trên phản hồi bạn nhận được từ khách hàng. Nói cách khác, bạn không cần phải lo lắng về việc làm cho nó hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên, bạn có thể điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ của mình, từng bước một.

Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp là hãy làm việc không ngừng nghỉ. Một khi bạn đã chọn khởi nghiệp làm lý tưởng sống của mình, bạn sẽ không thể sống một cuộc sống thường nhật như bao người. Bạn phải làm việc 24/7 mà không có thời gian nghỉ ngơi, để đưa doanh nghiệp của mình vượt lên. Ngay cả khi bạn mệt mỏi, áp lực, bạn cũng không thể cho phép mình được gục ngã. Sự thật phũ phàng là khi bạn tạm dừng lại, dù chỉ một lúc, bạn sẽ đánh mất những tiến bộ mà bạn đã gây dựng được trong thời gian chiến đấu trước đó, vì các đối thủ của bạn vẫn đang tiến về phía trước. 

Một hoặc hai điều bạn sẽ làm khác đi để cải thiện bản thân (hoặc loại thói quen cá nhân nào bạn sẽ cải thiện?) nếu bạn có thể quay lại 10 năm trước?

Nguyễn Hoàng Trung: Lời khuyên của tôi cho bản thân lúc trẻ? Tôi muốn nói là đừng sợ thất bại và lo lắng nếu mọi việc diễn ra không như kỳ vọng. Không phải mọi thứ bạn làm đều sẽ đi đúng hướng ngay lập tức. Mặc dù sẽ đau mỗi lần té ngã, nhưng qua đó bạn lại học thêm được kinh nghiệm và đó cũng chính là bài học bạn có thể áp dụng cho lần thử thách tiếp theo. Thành công không bao giờ là hiển nhiên, thành công được xây dựng từ chính những thất bại.